Người dân khiếu nại đất đai, nhiều giám đốc bất động sản bị khởi tố

Tại tỉnh Bình Dương, một dự án có tới hàng trăm người khiếu nại tố cáo. Trong quá trình điều tra, công an đã thụ lý 15 vụ án và bắt tạm giam 16 bị can.

Liên tiếp khởi tố nhiều công ty bất động sản

Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển kinh tế cực nhanh, tỉnh Bình Dương là một trong các tỉnh vùng Đông Nam Bộ thu hút được nhiều khu công nghiệp, người dân ở nhiều nơi về sinh sống làm việc.

Hạ tầng, các khu công nghiệp nổi lên cũng kéo theo nhiều dự án nhà ở, bất động sản hình thành và phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư, mua bán và an cư lập nghiệp của người dân.

Bên cạnh các dự án nhà ở đã đáp ứng được nhu cầu ở thực, thì cũng có rất nhiều dự được nhiều chủ đầu tư làm trái quy định, dẫn đến hậu quả… Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra và khởi tố hàng loạt các Chủ tịch, Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty bất động sản về hành vi lừa đảo.

Đơn cử, đầu tháng 8/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bắt tạm giam 4 tháng với đối tượng Nguyễn Hữu Thái - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ địa ốc Thăng Long Real, địa chỉ ở khu dân cư Phú Hoà, Tp.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Theo cơ quan điều tra, Thái bị người dân tố cáo vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Hành vi lừa đảo của Thái thực hiện thông qua việc góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng bất động sản tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Sau nhiều lần người dân thực hiện góp vốn để nhận chuyển nhượng bất động sản, nhưng Thái không thực hiện. Công an vào cuộc điều tra sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân đã phát hiện ra hành vi của Thái nên khởi tố bắt giam.

An ninh - Hình sự - Người dân khiếu nại đất đai, nhiều giám đốc bất động sản bị khởi tố

Dự án của Công ty Tường Hy Quân bị người dân khiếu nại, cơ quan công an vào cuộc điều tra phát hiện sai phạm và khởi tố lãnh đạo Công ty này.

Một vụ việc khác cũng được Công an Bình Dương khởi tố trong năm 2022 liên quan đến dự án khu nhà ở Chánh Phú Hoà, do Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân làm chủ đầu tư.

Theo đó, công an xác định bà Lô Thị Loan, SN 1979, Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân, tỉnh Bình Dương cùng chồng là Châu Minh Sơn (SN 1978) đã vẽ “dự án ma” lừa đảo chiếm đoạt gần 130 tỷ đồng.

Theo điều tra, từ năm 2018, Công ty TNHH Địa ốc Tường Hy Quân (gọi tắt Công ty Tường Hy Quân), địa chỉ phường Tân Bình, Tp.Dĩ An, tỉnh Bình Dương do bà Loan làm giám đốc đã lập dự án trên 13 thửa đất với trên 64.000m2 ở phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, rồi hợp đồng với công ty môi giới bất động sản bán 300 nền đất với tổng giá trị hợp đồng 129 tỷ đồng.

Việc mua bán này thông qua nhiều hình thức môi giới; hợp đồng nguyên tắc về chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản.

Đến năm 2019, công ty môi giới bất động sản đã bán vượt số nền đã ký môi giới, cụ thể là 329 nền thu về 140 tỷ đồng và bàn giao cho Công ty Tường Hy Quân 90 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định Công ty Tường Hy Quân còn tự ký hợp đồng chuyển nhượng cho 19 khách hàng 41 nền đất thu về trên 27,5 tỷ đồng.

Theo điều tra, Công ty do Lô Thị Loan làm Giám đốc, tuy nhiên, mọi hoạt động của Công ty đều do Châu Minh Sơn, (là chồng của Lô Thị Loan) trực tiếp điều hành. Số tiền thu được do Châu Minh Sơn trực tiếp quản lý và sử dụng.

Một dự án hơn 1.000 người dân khiếu nại

Với sự phát triển nhanh chóng của bất động sản, nhiều người, nhiều công ty kinh doanh, mối giới bất động sản đã bất chấp pháp luật thực hiện nhiều hợp đồng mua bán, góp vốn sai quy định.

Sau một thời gian, doanh nghiệp không thể giao đất, không làm được các thủ tục chuyển nhượng… điều này làm cho người dân “điêu đứng” phải liên tục “gõ cửa” cơ quan chức năng để cầu cứu. Cũng từ đây, khi công an vào cuộc thì nhiều người mới vỡ lẽ mình bị “lừa”.

Theo thông tin từ Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, hiện nay Công an tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận hàng ngàn đơn thư khiếu nại, tố giác liên quan đến các dự án bất động sản.

Theo ông Chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh có tiếp nhận 66 đơn thư tố giác liên quan đến các dự án bất động sản trên địa bàn.

Mặc dù tin báo giảm, nhưng số lượng người dân liên quan đến các dự án rất đông. Điển hình là Công ty Naviland (dự án Roxanaplaza, phường Vĩnh Phú, Tp.Thuận An) có hơn 1.082 người dân khiếu nại tố giác liên quan đến dự án này về hành vi “chiếm đoạt tài sản”.

An ninh - Hình sự - Người dân khiếu nại đất đai, nhiều giám đốc bất động sản bị khởi tố (Hình 2).

                                                            Dự án bị người dân khiếu nại tố cáo.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cũng cho biết, trong vòng 6 tháng vừa qua, cơ quan điều tra đã thụ lý 15 vụ án với 16 bị can. Số tiền các bị can lừa đảo trong các vụ án này qua thống kê sơ bộ ước tính vài trăm tỷ đồng.

Theo ngành chức năng, hiện nay nhiều công ty, chủ đầu tư… lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác thẩm định, cấp phép xây dựng các dự án để lách luật huy động vốn trái phép, sau đó không bàn giao nhà, đất cho người dân như đã cam kết ban đầu dẫn đến bức xúc, phát sinh khiếu kiện.

“Chúng ta cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân, cần thận trọng trong việc giao dịch mua bán với công ty, hay những người mua bán đất. Cần phải mua bán hợp pháp để tránh các đối tượng chiếm đoạt sử dụng tiền không đúng mục đích sau đó người dân bị bất tiền không thể lấy lại tài sản”, Đại tá Chính thông tin.

Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương các công ty bất động sản, công ty môi giới mọc lên “như nấm”. Lợi dụng vào lòng tin của nhiều người, các đối tượng lách luật, tự vẽ nên dự án rồi rao bán, huy động vốn trái phép. Sau khi lấy được tiền của người dân thì “chây ì” thậm chí “cao chạy xa bay”.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có rất nhiều dự án bất động sản được cấp phép theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Sở Xây dựng thường xuyên cập nhật những dự án đủ pháp lý, đủ điều kiện huy động vốn, kinh doanh nhà ở, sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai trên website, người dân nên tìm hiểu thật kỹ trước khi mua bán dự án để tránh rủi ro”.

“Trường hợp, người dân thực hiện mua bán, ký hợp đồng với chủ đầu tư, hay dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng xảy ra tranh chấp, thì cần phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn. Cụ thể là gửi đơn lên toà dân sự để đòi quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, người dân vẫn phải tìm hiểu để tránh mua phải dự án hay sản phẩm bất động sản không như ý muốn”, ông Tuấn Anh chia sẻ.