Của rẻ là của ôi
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại chi tiền mua sắm đồ chơi đáp ứng sở thích của con trẻ, nhưng phần lớn là tiện đâu mua dấy hoặc đặt mua trên mạng chứ không có thời gian để kiểm chứng mặt hàng đó có an toàn hay không.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chị Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội) cho hay: “Mặc dù kinh tế gia đình không mấy khá giả, nhưng muốn cho hai con bằng bạn bằng bè nên tôi thường chọn cho con những món đồ chơi giá phải chăng như con thú nhựa có giá 15.000 đồng, 19.000 đồng… Các con rất thích”. Khi được hỏi liệu chị có tin vào sự an toàn của các món đồ chơi đó không thì chị Thanh nói không biết, chỉ mua vì thấy cũng có nhiều người mua”.
Còn đây là chia sẻ của anh Đinh Văn Toàn (Bắc Ninh): “Tôi có hai cháu nhỏ và các cháu rất thích đồ chơi, cứ đi ra ngoài chơi là con đòi mua nào là hình thú, hình siêu nhân được bày bán trên phố. Vì không nắm được nguồn gốc, xuất xứ nên tôi thường hay lựa chọn các đồ chơi được làm bằng gỗ thay vì đồ nhựa sặc sỡ màu sắc. Tuy nhiên, vợ tôi lại hay có xu hướng chọn đồ nhựa, một phần vì chiều con, phần vì chúng rẻ tiền”.
Từ thông tin do một số phụ huynh cung cấp, PV đã tham gia một số hội nhóm buôn bán đồ chơi giá rẻ trên mạng xã hội Facebook. Trong các nhóm kín “Chợ buôn sỉ đồ chơi trẻ em”, “Đồ chơi trẻ em giá rẻ”..., chúng tôi nhận thấy có muôn hình vạn trạng các mặt hàng đồ chơi giá rẻ được dán nhãn mác có chữ Trung Quốc. Tài khoản S.Đ.C rao bán: “Xả xả xả nhanh, xả gấp đồ chơi chỉ giá 17k (k: nghìn đồng - PV), toàn bộ mẫu mã đồ chơi bên em đều rất đẹp và mới, nhanh tay số lượng có hạn”. Còn tài khoản Nguyễn Nguyễn thì rao: “Em thanh lý kho, còn ít hàng đồ chơi trẻ em giá rẻ nào là thỏ nhựa, cá lấp lánh màu sắc chỉ 2,5k, nhanh tay inbox em”...
Thử đặt vấn đề mua đồ chơi trẻ em số lượng lớn để bán kiếm thêm thu nhập, qua trao đổi điện thoại, PV được một chủ shop tên Thành, có cơ sở tại TP.HCM, cho biết: “Chị muốn mua số lượng bao nhiêu? Bên em bao nhiêu cũng có, hàng bên em là từ Trung Quốc và đang hot rất nhiều người mua”. Khi PV bày tỏ băn khoăn về chất lượng của sản phẩm và giá cả, chủ shop này nói: “Chị yên tâm em không cho chị thiệt đâu, chị mua số lượng lớn thì em để chị giá 4.000 - 5.000 đồng/sản phẩm. Chị bán ra thị trường 10.000 - 19.000 đồng là đã có lãi rồi. Hàng này nhiều người dùng nên yên tâm”.
Chuyên gia cảnh báo khẩn
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, trường đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trên thị trường hiện có đa dạng các loại đồ chơi cho trẻ em nhưng việc kiểm tra, quản lý chưa thật sự chặt chẽ. Đồ chơi trôi nổi, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ tuy giá rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại cho trẻ em.
“Thông thường, mặt hàng đồ chơi trẻ em phải được sản xuất với tiêu chuẩn, kiểm soát rất khắt khe, làm sao đảm bảo nhựa dùng phải là nhựa nguyên chất, không phải nhựa tái sinh có nhiễm tạp chất bẩn. Thêm nữa, các chất đưa vào như chất làm dẻo hóa, chất ôxy hóa, chất chống lão hóa… đều phải là những chất nằm trong danh mục được sử dụng cho sản xuất đồ chơi trẻ em. Bởi, những chất này nếu tồn dư nồng độ cao phơi nhiễm với hàm lượng thì có khả năng gây tác động đến sức khoẻ của trẻ, như vậy rất nguy hại”, PGS.TS Hồng Côn cho hay.
Cụ thể, ông phân tích thêm, các chất gây hại có thể chứa các chất làm tăng hoóc-môn nam nữ khiến trẻ em bị dậy thì sớm khi tiếp xúc. Ngoài ra, các hợp chất chống ôxy hóa khác trên đồ chơi có thể chứa các kim loại độc hại.
“Những đồ chơi được sản xuất ở các nhà máy, công ty được kiểm soát thì tương đối an toàn. Còn tất cả những hàng trôi nổi, có thể người sản xuất sử dụng nhựa tái sinh, dùng các hoá chất công nghiệp hoặc có thể dùng các chất cấm để làm những đồ chơi bắt mắt, giá siêu rẻ, không rõ nguồn gốc… rõ ràng chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe của trẻ. Còn thành phần độc hại đến đâu thì cần phải phân tích đánh giá mới biết được”, PGS.TS Trần Hồng Côn nhận định.
Trước thực trạng nêu trên, ông khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh không nên mua đồ chơi cho trẻ khi không nắm rõ nguồn gốc, không nên mua đồ chơi để trẻ dễ ngậm vào mồm, hay dễ đưa lên mắt, mặt, mũi… Phải lựa chọn những đồ chơi có tem mác, nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) - cho rằng việc phụ huynh mua cho con những sản phẩm đồ chơi giá rẻ mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ gây hại không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. “Hóa chất nếu hít lâu ngày thì cơ thể sẽ tích tụ lại, có thể gây nên kích ứng da. Chưa kể, trẻ nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi vào miệng. Nếu đồ chơi mà cha mẹ mua không đảm bảo thì con trẻ rất dễ trở thành người hứng chịu hóa chất độc hại đó. Vì vậy, phụ huynh không nên ham rẻ mà mua phải đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.