Những lưu ý "vàng" khi ăn hạt sen đầu mùa, không phải ai cũng biết

Hạt sen là loại thực phẩm cung cấp cho cơ thể rất nhiều dinh dưỡng cần thiết. Khi ăn hạt sen cần lưu ý một số điều, để an toàn hiệu quả với sức khỏe.

Hạt sen rất giàu dinh dưỡng

Hạt sen rất giàu hàm lượng protein, magie, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp. Cụ thể, 100g hạt sen có chứa 350 calo, 63-68g carbohydrate, 17-18g protein, nhưng chỉ có 1,9-2,5g mỡ, còn lại là các thành phần khác như nước (13%), khoáng chất (chủ yếu là natri, kali, canxi, phốt pho). Trung bình, cứ một ao-xơ hạt sen khô (28g) cung cấp khoảng 5g protein chất lượng cao, ngoài ra còn giàu chất xơ lại không chứa đường, hương vị thơm ngon hợp với sở thích của nhiều người.

Theo báo Tuổi Trẻ, hạt sen còn gọi là liên nhục, có vị ngọt, tính bình và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Theo Đông y, hạt sen không chỉ là món ăn ngon, bổ, mà còn là vị thuốc quý, có tác dụng dưỡng tâm an thần, ích thận, bổ tỳ, chữa di tinh, mộng tinh, tiêu chảy, mất ngủ, chậm tiêu, đầy bụng, ăn kém, chữa khát do sốt cao, mất nước… đặc biệt những nghiên cứu gần đây cho thấy hạt sen còn có tác dụng rất lớn trong việc chống lão hóa và tăng cường sức khỏe người cao tuổi.

Kiêng kỵ: Hạt sen tính bình không độc, không có cấm kỵ đặc biệt nhưng các trường hợp đầy bụng, không tiêu, táo bón nên hạn chế.

Đời sống - Những lưu ý 'vàng' khi ăn hạt sen đầu mùa, không phải ai cũng biết

Hạt sen giàu chất dinh dưỡng nhưng nên ăn hạt sen có chừng mực, không ăn quá nhiều, kết hợp trong các món ăn để tăng hương vị. Ảnh minh họa.

Những lưu ý "vàng" khi ăn hạt sen

Người mắc bệnh tim mạch không nên ăn nhiều hạt sen: Theo Sức khỏe & Đời sống, hạt sen không dùng cho những người bị bệnh tim mạch bởi trong tâm sen có chứa độc tính alkaloid. Nếu muốn sử dụng hạt sen làm thuốc trước tiên phải khử độc rồi mới dùng. Có thể khử độc bằng cách sao tâm sen ngả màu vàng nhưng không cháy để độc tố thoát hết ra ngoài. Cần chú ý liều dùng và không nên dùng lâu dài. Vì vậy những người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen nhất thiết phải bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.

Không phải thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được với hạt sen: Mặc dù hạt sen tốt cho sức khỏe nhưng không phải thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được. Các thực phẩm như cua, thịt rùa không được ăn cùng với hạt sen vì sẽ gây ngộ độc.

Người bị rối loạn tiêu hóa: Trong Đông y, hạt sen có tính bình, không độc nên nếu dùng hạt sen đúng cách hoặc với lượng vừa phải sẽ có tác dụng kiện tỳ - kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều, hạt sen có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Bởi vì trong hạt sen có chứa nhiều vitamin và các khoáng chất, khi đang bị rối loạn tiêu hóa sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng hấp thu khó khăn hơn.

Trẻ em nên ăn ít hạt sen: Nhiều người thường nghĩ, hạt sen có chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất bổ. Người ta thường xay nhỏ hạt sen rồi nấu cháo cho trẻ ăn. Tuy nhiên đây lại là điều vô cùng có hại.

Do hạt sen giàu dinh dưỡng nên có thể làm cho trẻ khó tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm do còn non yếu. Bởi vậy không thể hấp thụ được các chất trong hạt sen. Ngược lại, trẻ em ăn hạt sen còn có thể gây ra dị ứng và mẩn đỏ. Do đó, không nên trộn các loại hạt sen để nấu cháo cho bé vì sẽ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu và biếng ăn ở trẻ nhỏ.

Mách bạn một số món ăn - bài thuốc có hạt sen thường dùng

Chữa tiểu đêm nhiều: Hạt sen 30g, củ súng 30g, đường liều thích hợp. Nấu chè cho ăn vào bữa điểm tâm buổi sáng.

Chữa suy nhược cơ thể: Hạt sen 30g, gạo tẻ 150g. Nấu cháo, thêm đường hoặc muối.

Chữa mất ngủ: Các món ăn chế biến từ hạt sen tốt cho người bị mất ngủ, gồm có:

- Nước sen - dừa: 100gr hạt sen, 100gr dừa nạo, 400gr đường cát. Nấu hạt sen chín mềm, hòa với dừa nạo và nước đường để dùng.

- Chè hạt sen - long nhãn: 100gr hạt sen tươi, 300gr long nhãn (bóc lấy cùi), 400gr đường cát, nấu chè ăn.

- Hạt sen 40g, táo nhân 40g (sao đen), thảo quyết minh 40g: Đem tất cả các vị tán nhỏ, luyện với hồ viên bằng hạt ngô, sấy khô. Mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 20g.

Chữa thần kinh suy nhược: Hạt sen 16g, sâm bố chính 12g, hoài sơn 12g, tán bột, trộn với mật ong làm viên, uống mỗi ngày 20-30g. Hoặc hạt sen, củ mài với long nhãn, nấu chè ăn.

Chữa bệnh lẫn ở người già: Cháo hạt sen: 20g hạt sen, 100g gạo tẻ loại ngon. Nấu nhừ thành cháo. Ăn 3 bữa/ngày, có thể cho thêm đường vào ăn cùng.

Chữa thiếu máu: Hạt sen 50g, cá quả (cá lóc) 300g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 100g, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá quả hấp, gỡ lấy thịt ướp gia vị. Hạt sen, gạo nếp, gạo tẻ đều xay nhỏ. Xương cá giã lọc lấy nước ngọt, cho thêm 300ml nước vào nấu với bột gạo, để nhỏ lửa, quấy đều. Khi cháo chín cho thịt cá vào, đảo đều, thêm gia vị múc ra ăn; mỗi ngày ăn một lần vào lúc đói trong 10 ngày.

Chữa đau đầu: Hạt sen 20g, đậu đen 40g (sao chín), lá dâu non 20g, vỏ núc nác (sao rượu) 12g, lá vông non 40g, thục địa 40g: Đem các vị sao chín, đồ lên rồi giã nhuyễn, cho ít đường vào, luyện thành viên bằng hạt ngô, sấy khô bỏ vào lọ dùng dần. Ngày ăn 2 lần, mỗi lần 20g.

Trúc Chi (t/h)