Nữ sinh cấp 2 bị bạn cùng trường tìm đến tận nhà đánh hội đồng gây thương tích khắp người

Do mâu thuẫn trong giờ sinh hoạt trên lớp, một nhóm bạn đã tìm đến tận nhà nữ sinh T. sau đó thi nhau đánh hội đồng.

Ngày 18/12, Công an TP. Kon Tum cho biết đã tiến hành điều tra và xác minh ban đầu vụ việc học sinh Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc (TP. Kon Tum) bị đánh hội đồng, theo Tiền Phong đưa tin.

Chiều 28/11, em T. (học sinh lớp 6) sau khi đi học về đã bị nhóm bạn cùng trường tìm đến nhà và vây đánh. Trong khi nhóm 4 bạn thay phiên tát vào mặt, một nữ sinh khác đứng gần đó đã quay video và cùng nhiều bạn khác cười đùa. Vụ việc xảy ra khi không có phụ huynh ở nhà.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa em T. và các bạn L.N.B.N cùng Đ.N.H.N về việc mượn tiền. Sau đó, nhóm 4 học sinh đã kéo nhau đến nhà em T. và sử dụng tay giật tóc, tát vào mặt, đạp vào bụng nữ sinh này. Hậu quả, em T. bị thương nhiều chỗ trên người như chảy máu mũi, chảy máu tai bên trái, và có hai vết xước nhỏ ở đùi trái gây chảy máu.

Ngay khi nhận được thông tin, Công an phường Quang Trung phối hợp với Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc và các đơn vị liên quan để làm rõ vụ việc. Quá trình làm việc, các học sinh vi phạm đã thành khẩn nhận lỗi, xin lỗi em T. và cam kết không tái phạm.

Do các học sinh vi phạm chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc hành chính, Công an phường Quang Trung đã tiến hành giáo dục, nhắc nhở và bàn giao vụ việc cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của ngành giáo dục.

nu-sinh-bi-danh-hoi-dong-1734496894.jpg
Nữ sinh lớp 6 bị bạn cùng trường tìm đến tận nhà đánh hội đồng gây thương tích khắp người. Ảnh minh họa

Bà Bùi Thị Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, cho biết sự việc xuất phát từ mâu thuẫn trong giờ sinh hoạt lớp giữa nhóm nữ sinh lớp 6 và lớp 7. Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã yêu cầu các em viết bản tường trình, kiểm điểm và phân tích những sai lầm để nhận thức rõ hơn về hành vi của mình. Phụ huynh các em học sinh cũng đã cam kết phối hợp trong việc giáo dục và giám sát các cháu.

Bạo lực học đường sẽ bị xử lý như thế nào?

Bạo lực học đường là hành vi vi phạm những nguyên tắc về đạo đức. Nó gây ra những hệ quả tiêu cực cho nạn nhân cũng như mọi người xung quanh. Do đó, hành vi bạo lực học được có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự hoặc nặng hơn là xử lý hình sự. 

Xử lý vi phạm hành chính

- Theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.

- Cũng theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

Như vậy, đối với biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường do cố ý, chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị xử phạt cảnh cáo. 

Bồi thường dân sự

- Theo như mục 1, hành vi bạo lực học đường là hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm và sức khỏe tinh thần do đó là cơ sở để áp dụng hình thức xử lý dân sự.

- Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:

 +  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 + Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.

-  Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015).

- Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Xử phạt hình sự

- Theo nguyên tắc, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, đối với những học sinh thực hiện hành vi bạo lực học đường khi đã đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau đây:

- Theo khoản 22 Điều 1 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích, Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

+ Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; 

+ Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

- Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi bạo lực học đường cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.

+ Theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Lưu ý: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp hành vi bạo lực học đường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bị hại.

Minh Khuê (t/h)