Theo thông tin đăng tải trên báo Thanh Niên, từ khi dịch bùng phát phức tạp và căng thẳng, công việc của nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi, ngụ tại Q. Gò Vấp, TP.HCM) bị ảnh hưởng rất nhiều. Vì không còn nhiều chuyến bay, Hằng tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch. Lúc đầu, cô gái trẻ đăng ký hỗ trợ ở các điểm tiêm vắc xin của phường, nhưng từ khi nhìn thấy thông báo của Bệnh viện Hùng Vương đăng tuyển tình nguyện viên làm bảo mẫu chăm sóc cho trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0, vì rất yêu trẻ con nên Hằng ngay lập tức đăng ký tham gia.
Mặc dù chưa lập gia đình và cũng chưa có kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ, nhưng chỉ cần nghĩ đến những em bé mới chào đời đã phải xa vòng tay ba mẹ vì dịch bệnh, Hằng đã không một phút ngần ngại.
Hằng nhớ lại ngay từ ngày đầu, lúc nhìn thấy những thông báo đăng tuyển này, và biết được có những em bé vừa mới chào đời đã mất mẹ vì Covid-19, Hằng đã khóc rất nhiều.
“Mình nghĩ trong đầu, trời ơi cháu của mình ở đây thì có người chăm, còn những em bé này vừa sinh ra đã không biết mẹ là ai, không có sữa mẹ, không có hơi ấm của mẹ. Nghĩ vậy thôi là mình đã không thể chịu được và xác định là mình phải đi, để hỗ trợ chăm sóc cho các bé. Thế là mình lại nói với mẹ: ví dụ như con đi tình nguyện hơn một tháng mới về thì sao? Mẹ bảo là thôi thì cứ đi, đi giúp được cho mọi người trong dịch bệnh này là rất tốt, nhưng phải giữ bản thân cho khoẻ mạnh để mẹ ở nhà được an lòng”, Hằng chia sẻ.
Thế là Hằng cùng với các tình nguyện viên khác, mà đa phần đều là những bạn gái còn rất trẻ, chưa lập gia đình bắt đầu với công việc làm “mẹ” của gần 50 đứa con.
“Tụi mình ở đây đa phần đều chưa lập gia đình, có những bạn còn đang là sinh viên nên tụi mình dường như là chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con. Nên ngày đầu mới đến nhận nhiệm vụ, tụi mình có 2 buổi để tập huấn. Tụi mình được hướng dẫn kỹ về cách chăm sóc trẻ sơ sinh, lúc nào thì bé khát sữa, những biểu hiện bất thường ở trẻ, cách kiểm tra bé thở có bình thường hay không…Ngày đầu tập huấn cũng hoang mang lắm, nhưng rồi mỗi ngày, có thắc mắc gì là tụi mình hỏi các cô điều dưỡng, các cô cũng hay qua lại thường xuyên để kiểm tra và hỗ trợ tụi mình”, Hằng kể.
Hằng cho biết kế bên Bệnh viện Hùng Vương có một trường mầm non và nơi đây được trưng dụng thành điểm để chăm sóc các bé. Ngày đầu mới đến nhận nhiệm vụ, các tình nguyện viên bắt đầu lau dọn sạch sẽ các phòng, sắp xếp và lắp nôi để đón các bé từ bệnh viện sang.
Mỗi ngày, các tình nguyện viên ở đây làm nhiệm vụ như những người mẹ thực thụ của các bé. Do chưa có kinh nghiệm, mà các bé sơ sinh còn rất mong manh nên cũng là một thử thách không hề nhỏ cho những bà mẹ trẻ chưa một lần làm mẹ.
Chỉa sẻ với PV Infonet, Hằng nói thêm các bé ở đây “già" nhất cũng chỉ hơn 1 tháng tuổi là được gia đình đón về. Chăm sóc trẻ không phải là điều dễ nhất là với trẻ sơ sinh, thậm chí có bé sinh non chỉ nặng 2kg là điều khó khăn với các bảo mẫu. Nhưng sau 1 tuần thực hiện nhiệm vụ, đến nay bản thân Hằng đã quen với công việc của mình. Hằng đã thuộc lòng “sở thích” của từng bé.
Có bé 2 – 3 tiếng mới đòi ăn nhưng có bé chỉ 1 tiếng là đòi ăn. Hằng đã quen cách ăn uống của các bé. Ví dụ bé háu ăn sẽ được các cô cho sữa trước sau đó đi pha sữa cho bé còn lại. Có bé cô phải bế, ôm bình để con ăn. Nhiều bé nhỏ quá không ăn bình được, các điều dưỡng của bệnh viện sẽ sang cho bé ăn bằng các ống pipet nhỏ xíu.
Hằng kể: “Lúc đầu nhìn thấy bé ăn nhiều quá trớ ra. Sữa ở cả miệng và mũi trào ra, tôi đã nín thở, lo sợ vô cùng vì tôi không biết phải làm sao, phải nhanh chóng cầu cứu các chị có kinh nghiệm. Sau này, tôi mới biết các con bé chỉ cần ăn no một chút là sẽ ộc sữa ra. Tôi đã có kinh nghiệm, trong số 12 trẻ trong phòng, bé nào ăn ra sao, háu ăn hay ăn chậm là tôi biết và cho các bé ăn theo cữ của chúng”.
Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đi vệ sinh suốt nên lúc nào cũng phải sờ sờ bỉm thấy nặng nặng phải thay cho bé ngay. Hằng sợ nhất đó là các bé 'ngủ ngày cày đêm'. Các cô trực tối coi như là thức trắng đêm bởi cứ bé này ọ ẹ là bé bên cạnh cũng ọ ẹ theo.
Có bé nằm im, các cô cũng phải sờ tay lên ngực bé xem bé thở như thế nào. Sợ nhất với các bảo mẫu đó là có bé nào tím tái, gồng người lên khó thở. Hằng kể, bình thường chắc gia đình chăm 1 bé sơ sinh đã mệt nhưng các bảo mẫu ở đây chăm sóc gần 60 bé sơ sinh.
Theo thông tin trên Zing, khi được hỏi có lo lắng về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi tham gia tình nguyện hay không, Hằng thừa nhận có. Tuy nhiên cô chia sẻ rằng mọi lo nghĩ đều biến mất khi các tình nguyện viên nhìn thấy những em bé sơ sinh được đưa từ bệnh viện đến trung tâm. Khuôn mặt trẻ thơ cùng tình cảnh đáng thương của các con khi mọi người giành nhau để ôm con vào lòng.
"Tôi biết rằng việc làm bảo mẫu tại trung tâm tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, vì cho dù các con đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR nhưng vẫn không loại trừ được khả năng ủ bệnh. Trong nhóm tôi, người nào cũng từng nghĩ đến và lo sợ điều này.
Nhưng ngay từ ngày đầu tiên đón các con từ Bệnh viện Hùng Vương chuyển qua, chúng tôi đã rất thương yêu nên chẳng còn nghĩ hay lo sợ điều gì. Cứ nhìn thấy gương mặt đáng yêu của các con là chúng tôi lại cố gắng chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương", Hằng nói.
Cô chỉ mong rằng dịch bệnh sớm kết thúc để những em bé sớm được về trong vòng tay mẹ hoặc gia đình. Cho đến lúc đó, Hằng và các tình nguyện viên vẫn sẽ thay người thân cố hết sức để chăm nom các bé sơ sinh.
Cô chia sẻ rằng được làm bảo mẫu cho các con chính là điều ý nghĩa nhất cô có thể làm trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
"Tôi vẫn tin rằng cuộc đời này sẽ không lấy hết của ai điều gì. Các con ở đây ngày hôm nay thiệt thòi, mất mát nhưng mai sau lớn lên sẽ càng mạnh mẽ và bản lĩnh. Tôi mong các con sẽ cảm nhận được tình cảm của các cô và bớt tủi thân hơn vì được chăm chút, yêu thương mỗi ngày", Hằng tâm sự.