Hội nghị nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước từ khắp các châu lục từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á…. buộc phải duy trì hoặc áp đặt trở lại biện pháp phong tỏa.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện rất phức tạp. Hầu hết các quốc gia, lãnh thổ đều có xu hướng gia tăng ca bệnh, có thể chạm mốc 100 triệu ca nhiễm vào đợt tới. Trong lịch sử loài người, đây là dịch bệnh có sức lây lan và ảnh hưởng tới các quốc gia một cách mạnh mẽ nhất.
Ở nước ta, tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, các trường hợp nhập cảnh vẫn ghi nhận từ các chuyến bay giải cứu. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn, sắp tới Tết âm lịch, nên việc đi lại, nhu cầu về nước của công dân rất lớn, do đó nguy cơ ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 luôn hiện hữu.
Vì vậy, cần tiếp tục và tăng cường các biện pháp theo Chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Bộ trưởng bộ Y tế cho biết: "Hiện hầu hết các quốc gia đều ghi nhận sự gia tăng ca nhiễm số bệnh nhân mắc COVID-19. Tại Việt Nam, đã tròn 50 ngày nước ta không có ca nhiễm cộng đồng".
Hiện nay trải qua thời gian dài không có ca nhiễm trong cộng đồng. Nhưng theo Bộ trưởng bộ Y tế nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại Việt Nam có một số điểm rất đáng quan ngại.
Bộ Y tế đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ hạn chế tối đa việc nhập cảnh qua đường hàng không. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 01 và các văn bản chỉ đạo từ nay tới Têt Nguyên đán các chuyến bay được hạn chế mức độ tối đa.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng với đường bộ, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở, vượt biên trái phép hết sức phức tạp. Một vài nước trong khu vực vẫn mở chuyến bay thương mại nên bà con đi chuyến bay này về các quốc gia đó và đi theo đường bộ vào Việt Nam.
Mặc dù hiện nay các tỉnh biên giới, các cửa khẩu tăng cường tối đa công tác tuần tra, kiểm soát. Lực lượng biên phòng đã tăng hơn trước nhưng tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn đang diễn ra.
“Tết Nguyên đán gần kề, tâm lý của bà con muốn trở về quê hương đón tết, nhưng nếu để tình trạng nhập cảnh trái phép rất quan ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng.
Trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng hơn 100 trường hợp nhập cảnh trái phép, tuy nhiên có ngày, các lực lượng chức năng đã phát hiện tới 500 trường hợp. Đó là trường hợp phát hiện được, còn những đối tượng không được phát hiện thì nguy cơ rất cao cho công tác phòng chống dịch”- Bộ trưởng bộ Y tế lo lắng.
Để phòng, chống tình trạng "nhập khẩu" dịch bệnh, ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương phát động đợt cao điểm làm sao mỗi một người dân trở thành một "chiến sĩ" phát giác, thông báo chính quyền địa phương khi có người từ nước ngoài trở về trái phép, không tuân thủ cách ly. Theo đó, những gia đình có người thân ở nước ngoài cần cam kết với chính quyền địa phương, không đón người nhà trở về nếu nhập cảnh trái phép và không qua cách ly.
Mặt khác, liên quan đến công tác cách ly chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin: theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả trường hợp, kể cả chuyên gia, tổ bay nhập cảnh phải cách ly tập trung 14 ngày không có ngoại lệ, không cách ly tại nhà, trừ trường hợp ngoại giao đặc biệt do Bộ Ngoại giao quyết định.
“Chúng ta phải giữ chặt, từng li từng tí một mới kiểm soát được lây nhiễm COVID-19. Dù trong bối cảnh hiện nay, một số nước đã có vắc xin tiêm phòng, nhưng việc lây nhiễm COVID-19 còn lây nhanh hơn tốc độ tiêm”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong cách ly tập trung, không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly vì nếu vậy sẽ tiếp tục cách ly 14 ngày sẽ rất căng thẳng.
Bộ trưởng bộ Y tế nhấn mạnh luôn phải chuẩn bị cho tình huống phát hiện COVID-19 tại cộng đồng, yêu cầu các cơ sở y tế đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất, để không lây nhiễm trong bệnh viện.