Phụ nữ độc thân sinh con bằng thụ tinh trong ống nghiệm và những quy định cần biết

Theo quy định Pháp luật, phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tuy nhiên cần tuân thủ các quy định liên quan.

Theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận và tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.

t1-1734406807.PNG
Theo quy định, phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Về phía người muốn sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng có những quy định rất rõ ràng. Cụ thể, tại điều 5 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về việc nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi như sau:

- Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.

- Người nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam và là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

- Người nhận phôi phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng;

+ Người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại, trừ trường hợp mang thai hộ;

+ Phụ nữ độc thân mà không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

- Người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận tinh trùng, nhận phôi.

Như vậy, theo quy định trên thì phụ nữ độc thân là người nhận tinh trùng phải có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Trường hợp là người nhận phôi thì phụ nữ độc thân không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.

Đồng thời, phụ nữ độc thân phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; không đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

t2-1734406807.PNG
Ảnh minh họa

Cuối cùng, để được sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phụ nữ độc thân cần hoàn thiện hồ sơ đề nghị được quy định tại điều 11 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, bao gồm:

+ Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 10/2015/NĐ-CP.

+ Hồ sơ khám xác định vô sinh của phụ nữ độc thân hoặc cặp vợ chồng đứng tên trong đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ nêu trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải có kế hoạch điều trị cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này và không thể có kế hoạch điều trị phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.

Trần Giang (T/h)