Phức tạp thực trạng tín dụng đen núp bóng dịch vụ cầm đồ, lách luật

Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho người lao động. Mặt khác, hiện là thời điểm cuối năm nên nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng cao. Nắm bắt tình hình này, các đối tượng hoạt động tín dụng đen bắt đầu đẩy mạnh cho vay dưới nhiều hình thức và mở rộng, thay đổi địa bàn.

Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho người lao động. Mặt khác, hiện là thời điểm cuối năm nên nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng cao. Nắm bắt tình hình này, các đối tượng hoạt động tín dụng đen bắt đầu đẩy mạnh cho vay dưới nhiều hình thức và mở rộng, thay đổi địa bàn.

Thực tế hiện nay cho thấy, những chiêu trò hoạt động của các nhóm đối tượng tín dụng đen vô cùng đa dạng. Hoạt động của chúng thường núp bóng dưới dạng các lĩnh vực kinh tế được pháp luật cho phép như: Kinh doanh đa cấp, dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ cho thuê phương tiện ô tô, xe máy… Và phổ biến hơn cả là hoạt động thông qua dịch vụ kinh doanh cầm đồ do tính chất của hoạt động này vẫn là hạng mục kinh doanh có điều kiện và được pháp luật cho phép. 

C:\Users\Phuong Pham\Downloads\camdo.jpg

Dịch vụ cầm đồ hiện đang là lĩnh vực được các hoạt động tín dụng đen nhắm tới

Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở tại nhiều địa phương, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng. 

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã cấp mới 2.436 và thu hồi 175 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao.

"Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền", đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.

Tháng 10 vừa qua, Công an thị xã Duy Tiên (Hà Nam) đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tịnh (SN 1952), trú tại phường Duy Minh, thị xã Duy Tiên về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Được biết, đối tượng hoạt động dưới dạng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng lại thường xuyên thực hiện hoạt động cho vay lãi suất cao từ 3.000 đến 3.500 đồng/triệu/ngày, tương đương với lãi suất từ 108% đến 120%/năm.

C:\Users\Phuong Pham\Downloads\camdo2.jpg

Để tránh sự theo sát, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng này thường xuyên thay đổi thông tin, địa chỉ một cách rất bài bản. Thậm chí, chúng còn chuẩn bị mọi loại giấy tờ pháp lý để đáp ứng điều kiện hoạt động hợp phát của dịch vụ kinh doanh cầm đồ từ đó hạn chế sự kiểm soát của cơ quan điều tra.

Không chỉ hoạt động cho vay nặng lãi, nhóm đối tượng kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường có thêm đội ngũ đàn em có tiền án tiền sự chuyên bảo kê và đòi nợ với những chiêu thức man rợ khiến con nợ nào cũng phải khiếp sợ. Ngoài thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân chúng còn sử dụng chiêu bài ghép hình ảnh “nóng” để bôi nhọ danh dự con nợ.

Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đã thu lại được nhiều kết quả đáng mong đợi. Nhiều đối tượng tội phạm đã bị phát giác và xử phạt nghiêm minh, triệt phá hàng nghìn đường dây cầm đồ trá hình. 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trước tình hình tín dụng đen như hiện nay, nhân dân vẫn luôn cần nêu cao tinh thần cảnh giác.