Vươn lên mạnh mẽ từ thất bại
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, kết quả lại không như kỳ vọng khi địa phương chỉ cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án FDI với tổng số vốn hơn 620 triệu USD, đạt hơn 41% kế hoạch đề ra.
Trước thực tế này, Quảng Ninh “rón rén” đặt mục tiêu thu hút FDI cho năm 2023 với con số hơn 1 tỷ USD. Đến hết tháng 9/2023, mặc dù tiếp hàng trăm đoàn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng Quảng Ninh mới chỉ thu hút hơn 810 triệu USD vốn FDI. Vì thế, mục tiêu hơn 1 tỷ USD được coi là vừa sức với tình hình địa phương.
Tuy nhiên, trong tháng 10/2023, Quảng Ninh có cú “nước rút” vô cùng mạnh mẽ. Tổng số vốn FDI chỉ trong 1 tháng của địa phương đạt khoảng 2,2 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần cả năm 2022. Trong đó, có 2 “đại dự án” FDI, gồm: Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với vốn đăng ký hơn 1,5 tỷ USD và Dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh (690 triệu USD).
Tính đến hết tháng 11/2023, theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 3,13 tỷ USD, bằng 313% chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và HĐND Tỉnh, bằng 261% kế hoạch năm 2023 do UBND Tỉnh đặt ra. Từ chỗ không có tên trong top 10, Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu trong các tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút FDI năm 2023. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của Quảng Ninh từ trước tới nay.
Trong đó, Quảng Ninh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,13 tỷ USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 28,86 triệu USD. Các dự án FDI trên hầu hết thuộc lĩnh vực được địa phương quan tâm, chú trọng và ưu tiên, như: Sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng ít tài nguyên, tạo nhiều công ăn việc làm cho nguồn lao động tại chỗ.
Liệu có phải “ăn may”?
Kết quả thu hút FDI kỷ lục của Quảng Ninh năm 2023 phản ánh nỗ lực của địa phương trong “dọn tổ” đón các nhà đầu tư chứ không hoàn toàn “ăn may”. Trong năm 2023 và những năm trước, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Đến nay, các KCN: Cái Lân, Hải Yên, Đông Mai, Việt Hưng, Texhong Hải Hà... đã cơ bản có hạ tầng đồng bộ đáp ứng được các yêu cầu đối với các nhà đầu tư thứ cấp. Còn các KCN khác, như: Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, cùng với hoàn thiện hạ tầng nội khu, chủ đầu tư tăng cường mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỉ lệ lấp đầy trên diện tích đã hoàn thiện hạ tầng.
Cùng hoàn thiện hạ tầng các KCN, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để thu hút nguồn lao động trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là “điểm cộng” trong mắt các nhà đầu tư thứ cấp. Đến nay, KCN Hải Yên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng khu nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, KCN Sông Khoai và KCN Đông Mai đang xây dựng nhà ở cho người lao động.
Trong số các KCN kể trên, KCN Sông Khoai trên địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, trở thành “điểm sáng” của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung về thu hút FDI.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Amata - Chủ đầu tư KCN Sông Khoai, mặc dù đang hoàn thiện nốt giai đoạn I, nhưng trong năm 2023, KCN Sông Khoai đã thu hút 13 dự án FDI mới, điều chỉnh 2 dự án FDI khác (tăng vốn 5 triệu USD) với tổng số vốn lên tới hơn 1,4 tỷ USD.
Ngoài “dọn tổ” đón các dự án FDI, Quảng Ninh còn khai tác tốt cơ hội từ những sự kiện đặc biệt để thu hút FDI. Trong đó, có thể kể đến sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023). Ngoài tổ chức Lễ hội Hokkaido, tỉnh Quảng Ninh tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tới với Hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Ninh - Nhật Bản năm 2023.
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án FDI của các nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm: Dự án Nhà máy sản xuất cơ khí chính xác Castem Việt Nam, Dự án Parts Seiko Việt Nam, Dự án Nhà máy Tamagawa Việt Nam, Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp Fujix Việt Nam (tổng vốn đầu tư hơn 80 triệu USD).
Hướng tới mục tiêu cao hơn và bền vững
Ngày 22/11/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh họp bàn và thống nhất giao Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh lãnh đạo UBND Tỉnh tổ chức thực hiện mục tiêu phấn đấu thu hút 3 tỷ USD trong năm 2023.
Tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, thông tin, quan điểm của địa phương là ưu tiên tập trung thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm. Lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực. Tái định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ. Bên cạnh đó, bám sát định hướng không gian phát triển “Một tâm, Hai tuyến, Đa chiều, Hai mũi đột phá, Ba vùng động lực”.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành kế hoạch cụ thể, gắn trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong triển khai, bằng những cách làm bài bản, khoa học thông qua việc chủ động lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi, xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Đồng thời, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Để thu hút nguồn vốn FDI cao, bền vững qua các năm, trong đó có năm 2024 này, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT. Trong đó, ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và thu ngân sách.
Đồng thời, tăng nhanh tỉ lệ lấp đầy các KCN, KKT, trọng tâm là các KKT: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong.
PV