Thời gian qua, tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sản phẩm giảm cân Cenly được quảng cáo với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo.
Ngang nhiên tái diễn vi phạm
Được biết, sản phẩm giảm cân Cenly được phân phối và chịu trách nhiệm bởi Công ty TNHH Cenly Organic (công ty Cenly Organic) có địa chỉ tại số 35, ngõ 1 Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm này thực chất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên “Thảo mộc hỗ trợ giảm béo Cenly” có “Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm” số 5743/2020/ĐKSP và “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” số 2306/2020/XNQC-ATTP, với công dụng được phép quảng cáo chỉ có “hỗ trợ giảm béo, hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo trong cơ thể”.
Tuy nhiên, trên website cenly.info của công ty Cenly Organic, sản phẩm giảm cân Cenly đang bị quảng cáo như thuốc với các công dụng giảm cân nhanh chóng như: “giảm vùng mông, đùi, bắp chân; giảm vùng bụng, vai, lưng, bắp tay; giảm cân toàn thân; giảm sự thèm ăn; giảm hấp thu các chất dinh dưỡng như chất béo; tăng đốt cháy chất béo…”
Ngoài ra, một loạt các website khác và mạng xã hội cũng đang có dấu hiệu quảng cáo “thổi phồng” sản phẩm trên, bao gồm: cenlyorganic.net, cenlyvn.com, congtycenly.vn, cenlyvietnam.com, myphamthiennhienviet.net…
Thậm chí, trên một số website, sản phẩm còn được quảng cáo bằng hình thức liệt kê công dụng từng thành phần với công dụng như thuốc, đồng thời, cam kết thành phần 100% thảo dược đạt chứng chỉ an toàn CQ-CO.
Ngoài “Thảo mộc hỗ trợ giảm béo”, một sản phẩm khác mang tên “Giảm cân gia truyền Cenly” dành riêng cho đối tượng là những bà mẹ sau sinh cũng được rao bán nhan nhản với những công dụng “thổi phồng”.
Cùng với đó, không khó để bắt gặp hàng loạt hình ảnh người dùng đơn vị này dùng để quảng cáo cho sản phẩm tại các website nói trên. Điều này giúp làm tăng sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm và gia tăng đơn hàng, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Dấu hiệu làm giả giấy phép?
Ở sản phẩm “Thảo mộc giảm cân gia truyền Cenly”, để lấy lòng tin người tiêu dùng, có website còn đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm giảm cân Cenly này đã được “Xác nhận đủ tiêu chuẩn An toàn thực phẩm” của bộ Y tế.
Tuy nhiên, thực tế không có loại giấy phép nào có tên như trên. Theo tìm hiểu, một sản phẩm TPBVSK muốn được công bố và buôn bán trên thị trường thì công ty chịu trách nhiệm sản phẩm phải có các loại giấy phép sau:
Thứ nhất, cơ sở phải có giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm.
Thứ hai, cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (GMP) theo quy định tại thông tư 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của bộ Y tế.
Thứ ba, sản phẩm TPBVSK/TPCN cần phải được cấp “Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm” phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ.
Cuối cùng, sản phẩm muốn được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông cần phải được cấp “Giấy xác nhận nội dung quảng cáo” phù hợp quy định và chỉ được quảng cáo theo nội dung đã được cấp phép.
Qua những thông tin trên có thể thấy phản ánh của bạn đọc tới tòa soạn Phụ nữ & Pháp luật là hoàn toàn có cơ sở.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Tào Văn Đức - Công ty luật Tín phát và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cho biết: Qua các hình ảnh và thông tin đang được quảng cáo tại website với sản phẩm giảm cân Cenly của công ty Cenly Organic, có thể thấy, hoạt động quảng cáo này đã vi phạm rất các quy định cấm của pháp luật như: Hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng, công dụng sản phẩm.
“Căn cứ theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 thì các hành vi bị cấm bao gồm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố", Luật sư Đức cho biết.
Cũng theo Luật sư Đức, tại khoản 4 điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nói rõ phạt tiền đến 40 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
"Đối với chi tiết một số website sử dụng giấy “Xác nhận đủ tiêu chuẩn An toàn thực phẩm” giả để quảng cáo cho sản phẩm giảm cân Cenly thì đơn vị quảng cáo sai sự thật này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017” - Luật sư Đức nhấn mạnh.
Mặt khác, đơn vị quảng cáo giảm cân Cenly còn sử dụng hình ảnh nhiều người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm. Tuy nhiên, liệu những người nổi tiếng này có thật sự dùng sản phẩm như lời giới thiệu và ghi nhận công dụng hữu hiệu.
Phụ nữ & Pháp luật sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.