Tăng cường thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng, giảm nợ BHXH, BHYT

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT những tháng cuối năm 2022.

Thời gian qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện các giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) nhờ vậy, công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT tại một số địa phương vẫn chưa giảm sâu.

Để phấn đấu giảm số tiền chậm đóng xuống mức thấp nhất, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT những tháng cuối năm 2022.

Theo đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các DN chấp hành nghiêm việc đóng BHXH, BHYT đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT đến đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) để đôn đốc nộp tiền đóng đầy đủ, đúng thời hạn. Phân công lãnh đạo, cán bộ thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN để đôn đốc DN đóng BHXH, BHYT kịp thời, không để phát sinh chậm đóng.

Đẩy mạnh hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức các buổi làm việc với doanh nghiệp chậm đóng; phân công cán bộ bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đôn đốc đóng đủ, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, ban hành quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đã được quy định tại Khoản 44, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính..

Nâng cao chất lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra. Lãnh đạo BHXH tỉnh và trưởng các đoàn thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm trước tổng giám đốc về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý đối với DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ) và các ngành chức năng để đề xuất UBND tỉnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các DN nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

BHXH các tỉnh cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đối với chủ sử dụng lao động và NLĐ. Việc các đơn vị sử dụng lao động, DN để nợ đọng BHXH, BHYT với số tiền lớn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Bên cạnh đó, đề nghị Mặt trận tổ quốc, tổ chức công đoàn, các hội, đoàn thể tăng cường công tác giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT cho NLĐ đối với đơn vị SDLĐ trên địa bàn.

Đồng thời, thực hiện công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT có số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài.

Ngoài triển khai các giải pháp thu hồi nợ đọng, giảm nợ BHXH, BHYT, cơ quan BHXH triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Theo đó, cơ quan BHXH các cấp đã tham mưu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện đưa vào Nghị quyết hàng năm về chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; đề xuất hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng có hoàn cảnh khó khăn, người mới thoát nghèo, nông thôn mới, người dân sinh sống tại các xã mới thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Với các địa phương đã có Nghị quyết của HĐND về hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHYT, kịp thời lập danh sách người tham gia để cấp thẻ BHYT.

Cùng với đó, cơ quan BHXH đã tập trung thực hiện khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành; phân công cán bộ bám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường các giải pháp đôn đốc, vận động người tham gia BHYT hết hạn sử dụng thẻ BHYT nhưng chưa tham gia lại.

Vận động, phấn đấu có ít nhất 70% người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình và 100% người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên từ năm thứ hai trở đi tham gia BHYT.

Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp và yêu cầu các tổ chức dịch vụ mở rộng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo cam kết với cơ quan BHXH. Ngoài các giải pháp trên, cơ quan BHXH đề xuất UBND tỉnh trình HĐND hỗ trợ ngân sách địa phương hoặc kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân, mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Minh Hoa (t/h theo báo Lao Động, báo Quân đội nhân dân, Kinh tế & Đô thị)