Không thờ ơ với chứng rối loạn học tập của trẻ
Theo BSCK II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém. Có 3 dạng rối loạn học tập, gồm: rối loạn đọc, rối loạn viết, rối loạn tính toán. Trong đó, rối loạn đọc phổ biến nhất (chiếm 10-36% trẻ trong tuổi đi học).
Biểu hiện của rối loạn học tập bao gồm: trẻ bị chậm nói, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Ở bậc học tiểu học, trẻ nhận diện mặt chữ kém, khó ghép vần. Ở cấp trung học, bệnh nhân khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, diễn đạt kém, suy giảm trí nhớ... Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp.
Cần phân biệt rối loạn học tập với các rối loạn khác. Trẻ bị rối loạn học tập chỉ có thể gặp khó khăn trên một phương diện, như: đọc, viết, tính toán, nhưng các thông số về trí tuệ, khả năng tương tác của trẻ hoàn toàn bình thường.
"Rối loạn học tập khác với khuyết tật về trí tuệ (tất cả các khả năng trí tuệ của đứa trẻ đều bị chậm, ở nhiều khía cạnh học tập, cuộc sống), cũng khác về tự kỷ (khả năng tương tác xã hội có sự bất thường). Nhiều biểu hiện lâm sàng cho thấy trẻ đã bị rối loạn từ trước nhưng khi cần sử dụng đến các kỹ năng hoặc khi bắt đầu đi học mới phát hiện ra", BSCK II Nguyễn Hoàng Yến cho biết.
Theo các chuyên gia, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn học tập ở trẻ, trong đó có cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Giống như rối loạn phát triển khác, việc can thiệp là cả quá trình cần có sự hỗ trợ liên tục, kéo dài, bao gồm sự tham gia của bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa/chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý, giáo dục... để hỗ trợ trẻ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rối loạn.
Hậu quả của rối loạn học tập đối với từng lứa tuổi sẽ có các dấu hiệu khác nhau. Trẻ bị rối loạn học tập dẫn đến thành tích học tập kém, ảnh hưởng đến sự tự tin của đứa trẻ. Khi lớn lên, bệnh nhân có thể bị đồng bệnh lý thứ phát, như: rối loạn lo âu, căng thẳng...
"Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm. Phát hiện càng sớm càng giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh", BS Yến nhấn mạnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng Phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khoẻ tâm thần nhấn mạnh, một trẻ em có thể có nhiều rối loạn tâm thần, có thể rối loạn tính toán và kỹ năng đọc viết. Tuy nhiên, rối loạn học tập (rối loạn kỹ năng đọc và viết) không phải là bệnh tự kỷ.
Trẻ có rối loạn học tập vẫn được chẩn đoán ít, bởi nhiều cha mẹ quan niệm rồi khi lớn trẻ sẽ hết…. Nhiều cha mẹ chưa hiểu và biết đến triệu chứng rối loạn học tập nên nhận biết về căn bệnh này còn rất ít. Tiến triển của rối loạn học tập có thể kéo dài, ngoài lứa tuổi trẻ em có thể kéo dài đến tuổi vị thành niên, có người đến tuổi trưởng thành. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh sẽ nặng hơn và có thêm các rối loạn khác.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, rối loạn học tập là rối loạn phát triển, có nhiều nguyên nhân, cả di truyền và môi trường, nên để điều trị, các bác sĩ ở Viện Sức khỏe Tâm thần sẽ can thiệp các kỹ năng học tập, kể cả các rối loạn tâm thần khác có liên quan như lo âu, trầm cảm. Quá trình điều trị cần hỗ trợ liên tục, kéo dài, phối hợp giữa bác sĩ tâm thần, điều trị viên, chuyên gia tâm lý, nhà ngôn ngữ, giáo dục…
Mắc bệnh "khó nói" vì ăn ít chất xơ
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc Tp.HCM, cho biết bệnh trĩ xuất hiện do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết.
Bệnh thường xảy ra ở người có thói quen ăn uống không tốt (ăn ít chất xơ, rau quả), bị táo bón kinh niên, công việc ít đi lại, mang thai, di truyền... Ban đầu, người bệnh chỉ có cảm giác ngứa rát đôi chút, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu và đau rát nhiều hơn.
Theo bác sĩ Ngọc Lan, bệnh trĩ chia làm 3 loại gồm: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Những biểu hiện rõ rệt ở trĩ là chảy máu và sa búi trĩ. Chảy máu là triệu chứng có sớm và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện khi nhìn thấy máu ở giấy chùi vệ sinh hoặc thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.
Về sau mỗi khi táo bón, máu chảy thành giọt hoặc tia. Có khi máu chảy rất nhiều mỗi lần đi lại hay ngồi xổm. Sa búi trĩ thường xảy ra trễ hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Ngoài 2 triệu chứng trên, bệnh nhân có thể đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Triệu chứng đau, rát xảy ra khi tình trạng bệnh nặng lên.
Căn bệnh "khó nói" gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Trước đây, điều trị trĩ thường phải phẫu thuật khiến người bệnh đau đớn kèm theo biến chứng, đặc biệt với bệnh nhân có thể trạng yếu hoặc phụ nữ mang thai, sau sinh.
Cảnh báo dị vật chui chỗ hiểm
Tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn Tp.HCM như BV 115, Chợ Rẫy, Tai Mũi Họng..., hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân hóc dị vật. BS chuyên khoa II Hoàng Bá Dũng, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy, cho hay tai nạn thường gặp nhất là răng giả rớt vào đường thở, thực quản; ăn trứng vịt lộn vô tình nuốt trọn nguyên trứng; hóc xương cá, xương gà, xương heo vụn...
Chỉ riêng hệ thống BV Đa khoa Xuyên Á liên tục cấp cứu nhiều ca hóc dị vật bất thường. Ca bệnh đáng nhớ nhất là cố gắng gỡ cho được chiếc lưỡi câu móc sâu trong cổ họng một phụ nữ 68 tuổi ở Long An. Bệnh nhân đang ăn cơm với cá thì đột ngột bị hóc họng, nuốt đau, buông chén. Các bác sĩ xử trí cấp cứu lấy ra lưỡi câu còn có cọng cước dính theo. Tai nạn trong lúc chế biến cá, bệnh nhân không làm sạch ruột và do nhai bằng răng giả nên mới xảy ra sự cố. Theo BS chuyên khoa I Trương Ngọc Nhã, Trưởng Trung tâm Nội soi BV Đa khoa Xuyên Á, tùy lứa tuổi có thể gặp nhiều dị vật khác nhau, ở người lớn thường gặp là xương cá, hạt trái cây, răng giả; ở trẻ nhỏ là đồ chơi, pin, đồng xu...
Theo giới chuyên môn, dị vật chui vào nội tạng đã nguy hiểm song có người bị chui vào bộ phận khác cũng nguy hiểm không kém. Ca "bỏ quên" 2,5 cm đũa trong tai hơn 7 năm suýt điếc hiếm gặp được BV Tai Mũi Họng TP HCM cứu chữa mới đây là điển hình. Chị N.H.T (42 tuổi, ở tỉnh Lâm Đồng) trong lúc đi giao cơm bị tai nạn xe máy khiến một chiếc đũa ghim vào tai dẫn đến hôn mê. BV tỉnh rút chiếc đũa ra cứu qua nguy kịch nhưng cảnh báo bệnh nhân còn phải trải qua một cuộc phẫu thuật nữa để lấy hết dị vật còn ẩn sâu bên trong. Sợ việc phẫu thuật, nhiều năm qua chị T. sống chung với dị vật; khi đau, bị chảy mủ là chị ráng chịu đựng và tự mua thuốc uống. TS-BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP HCM, nhận định để dị vật trốn lâu trong tai như trường hợp này là rất hiếm gặp. Do phần đũa để quá lâu, thủng màng nhĩ, thính lực kém, sau khi lấy ra, điều trị nội khoa ổn định, các bác sĩ còn phải xử trí lần 2 chỉnh sửa, vá lại màng nhĩ mới cứu nguy cơ bị điếc, chưa kể biến chứng có thể "ăn" vào não.
Các bác sĩ khuyến cáo dị vật chui vào người là một trong những tai nạn nguy hiểm gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, khi ăn uống, cần phải cẩn thận nhai chậm, kỹ, đặc biệt là người lớn tuổi mất răng và trẻ nhỏ. Trong trường hợp nghi ngờ hóc xương hoặc các loại dị vật khác thì cần phải đến BV. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng và tiến triển các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan.
"Với dị vật đường thở nếu không lấy ra kịp thời, người bệnh sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi cấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, thậm chí tử vong do ngạt thở cấp", BS Thông cảnh báo.
T.M (tổng hợp)