Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/7/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/7/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.
Lưỡi người đàn ông chuyển xanh, mọc lông sau khi dùng thuốc kháng sinh
VietNamNet dẫn thông tin từ tạp chí Y học New England cho biết, nam bệnh nhân 64 tuổi sống tại bang Ohio (Mỹ), nghiện hút thuốc lá. Lưỡi của bệnh nhân này chuyển sang màu xanh và mọc lông sau khi ông uống một đợt thuốc kháng sinh kéo dài 21 ngày.
Qua kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tình trạng trên do nhú gai hình sợi ở bề mặt trên của lưỡi đổi màu và dài ra. Theo Học viện Y khoa Răng miệng Mỹ (AAOM), 13% dân số có lông trên lưỡi, vô hại và tương đối phổ biến. Hút thuốc, vệ sinh răng miệng kém và thức ăn mềm có thể gây ra lông lưỡi. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân 64 tuổi ở mức độ nặng.
Nhú gai nằm dưới màng nhầy của lưỡi, làm nhám bề mặt lưỡi và giúp bạn nhai, nói, giữ cho miệng sạch sẽ. Thông thường, các nhú gai lưỡi bị mòn do đánh răng thường xuyên và dùng thức ăn đặc.
AAOM cho biết, protein keratin có thể tích tụ trên những nhú này nếu đầu lưỡi không được mài mòn. Do đó, mọi người có nhiều nguy cơ phát triển lông dài trên lưỡi nếu vệ sinh răng miệng kém, ăn thực phẩm mềm do các vấn đề sức khỏe hoặc thiếu răng.
Nếu tình trạng trên kéo dài, các nhú gai có thể rất dài, trông giống như tóc. Sau đó, chúng có thể bẫy vi khuẩn, nấm men và thức ăn, khiến bệnh nặng hơn.
Hút thuốc tăng nguy cơ vì tạo điều kiện cho vi khuẩn và mảng bám tích tụ trên lưỡi. Theo Insider, việc sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh dễ làm thay đổi loại vi khuẩn trong miệng và gây ra hiện tượng lưỡi biến đổi kỳ dị.
Thông thường, các nhú lưỡi chuyển sang màu đen nhưng cũng có thể chuyển sang màu nâu, vàng hoặc xanh lục như trường hợp của nam bệnh nhân. Theo AAOM, bất ổn đó phổ biến hơn ở người lớn tuổi cũng như ở nam giới.
May mắn, khi lưỡi mọc lông và đổi màu, người bệnh không cần bất kỳ loại thuốc nào để điều trị. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên chà nhẹ bề mặt lưỡi bằng bàn chải đánh răng 4 lần mỗi ngày và ngừng hút thuốc. Sau 6 tháng, người bệnh đã trở lại bình thường.
Hà Nội ghi nhận thêm bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Theo báo An Ninh Thủ Đô, ngày 16/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Người bệnh là nam, 60 tuổi, ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Trước khi nhập viện, người này thường xuyên ăn sáng tại các quán lòng lợn, tiết canh. Ngày 20/6, bệnh nhân xuất hiện đau mỏi hai bên thắt lưng kèm run tay chân. Sau đó, bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư và được kê thuốc giảm đau và về nhà điều trị nhưng không đỡ.
Đến ngày 21/6, bệnh nhân thấy đau lan lên vùng vai gáy, kèm theo ý thức chậm chạp. Bệnh nhân được người nhà đưa đến phòng khám Quảng Tây. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì điều trị.
Ba ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, cứng gáy, ý thức chậm và được chẩn đoán theo dõi viêm màng não mủ, sảng rượu. Ngày 26/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Quân Y 105. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cấy máu và dịch não tủy cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn.
Bệnh nhân nói trên là ca mắc liên cầu lợn thứ 12 của Hà Nội kể từ đầu năm 2023 đến nay (1 ca tử vong), trong khi cùng kỳ năm 2022 toàn thành phố chỉ ghi nhận 1 ca mắc. Sự gia tăng này là rất đáng lo ngại.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với Chi cục Thú y – Sở NN&PTNT nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên người.
Ngành y tế khuyến cáo người dân không ăn các sản phẩm được chế biến từ lợn chưa được nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... vì dễ mắc liên cầu khuẩn lợn.
Người đàn ông bị súng bắn đinh găm vào cổ khi đang làm việc
Báo Sức Khỏe & Đời sống đưa tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng vừa thực hiện phẫu thuật thành công ca tai nạn lao động hi hữu khi người này đang làm việc bị súng bắn đinh gây tổn thương phức tạp bó mạch cảnh vùng cổ.
Cụ thể, anh P.T.A (35 tuổi) được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng cấp cứu khi có vết thương nhỏ vùng cổ khoảng 2 mm. Vết thương này nằm ở mặt trước bên trái trên đường đi của bó mạch cảnh. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ CKII Lê Minh Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch, trưởng kíp phẫu thuật cho biết, bệnh nhân nhập viện không có tình trạng thiếu máu não, không liệt nhưng dị vật là đinh đâm xuyên rất sâu, găm vào đốt sống cổ VII.
Do động mạch cảnh đoạn cổ nằm cạnh các dây thần kinh X, thực quản và chuỗi giao cảm; vì vậy ngoài việc lấy dị vật, xử trí tổn thương mạch máu, kíp mổ luôn thận trọng đến tổn thương dây thần kinh và các tổ chức lân cận trong quá trình phẫu thuật.
Quá trình thực hiện ca mổ, bác sĩ khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Tim mạch và khoa Phẫu thuật Sọ não - Cột sống đã lấy thành công dị vật, khâu phục hồi tổn thương động mạch, tĩnh mạch cảnh và bảo tồn nguyên vẹn các dây thần kinh.
Theo bác sĩ Sơn, vết thương mạch máu vùng cổ, nền cổ (bao gồm vết thương động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh trong, động tĩnh mạch dưới đòn, thân động mạch cánh tay đầu, tĩnh mạch vô danh và động mạch đốt sống) khi chẩn đoán và xử trí rất phức tạp; trong khi đó nguyên nhân gây nên vết thương bó mạch cảnh thường do đạn bắn, dao đâm hoặc vật sắc nhọn khác.
Từ ca bệnh trên, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng khuyến cáo mọi người khi làm việc cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để tránh những sự cố rủi ro bất ngờ có thể gây ra thương tích cho bản thân…
Đinh Kim (T/h)