Theo đó, người dân chỉ được phép ra ngoài khi phải cấp cứu y tế hoặc mua thực phẩm, tuy nhiên phải tại nơi cung cấp theo quy định và đi làm tại cơ quan/đơn vị doanh nghiệp được phép hoạt động.
Những đơn vị nào được phép hoạt động là các cơ quan Nhà nước làm việc, tuy nhiên, cũng chỉ luân phiên cách ngày/buổi. Còn hầu hết phải làm việc tại nhà, trừ các trường hợp theo quy định.
Đối với hệ thống ngân hàng/chứng khoán, duy trì công suất luân chuyển nhân sự “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó còn là các doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu, y tế (trừ thẩm mỹ), dược, lương thực - thực phẩm, cung cấp suất ăn cho bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị, bếp ăn từ thiện.
Cũng được hoạt động là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, thiết bị logistic đảm bảo “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”. Rồi các dịch vụ như kho bạc, tang lễ, dịch vụ thiết yếu khác do cấp thẩm quyền quy định.
Một số khách sạn vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên chỉ là những đơn vị hỗ trợ y, bác sĩ lưu trú, phục vụ cách ly cũng như các đơn vị phục vụ hậu cần trong chống dịch.
Trong khi đó, TP.HCM yêu cầu các đơn vị cung cấp điện, nước, gas, xăng dầu, bưu chính viễn thông,vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng thiết yếu phải đảm bảo hoạt động, không được phép tự ý đóng cửa.
Thực hiện Chỉ thị 16 (+), các chợ truyền thống ở TP.HCM sẽ phải hoạt động theo mô hình mới. Theo đó, phải giảm quy mô xuống còn 30% và luân phiên trong các ngày chẵn/lẻ, chỉ kinh doanh lương thực - thực phẩm, hàng thiết yếu, với không gian mở, thoáng. Các ô kinh doanh có màng ngăn giữa người mua và bán, đồng thời sử dụng mà quét QR để quản lý người ra - vào chợ.
Còn đối với các công trình giao thông, xây dựng thật sự cấp bách cũng chỉ triển khai đáp ứng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.
Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại cửa ngõ ra vào Thành phố (12 chốt, trạm cấp Thành phố và các chốt, trạm cấp quận/huyện và thành phố Thủ Đức) chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận chuyển hàng hóa có mã (QR code) nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào hoặc lưu thông qua Thành phố; xe cá nhân của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân Thành phố về quê theo kế hoạch.
Các biện pháp này được cho là cấp bách do chủng vi-rút mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường. Vì vậy, để thực hiện bằng được mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân TP, ngăn chặn số ca nhiễm mới, hạn chế tối đa trường hợp tử vong, bảo vệ hệ thống y tế và khả năng điều trị, cứu chữa bệnh nhân, TP.HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 24/7 đến hết ngày 1/8 và tăng cường thêm một số biện pháp. Bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm quy định tại các khu cách ly, khu phong tỏa.
Trên 58.200 trường hợp mắc COVID-19 tại TP.HCM
Tính từ 19h ngày 24/7 đến 6h ngày 25/7, Thành phố ghi nhận thêm 2.328 trường hợp nhiễm mới đã được bộ Y tế công bố vào sáng ngày 25/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có gần 58.200 trường hợp mắc COVID-19.
Dương Thanh Tùng - Người Đưa Tin Pháp Luật