Từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, sầu riêng sốt giá chưa từng có

Từ cận Tết đến nay, giá sầu riêng đang ở mức rất cao. Tính ra, một trái sầu riêng 3-5kg có giá lên đến tiền triệu.

Sầu riêng giá cao bất ngờ

Theo thông tin trên VietNamNet, sầu riêng đang rất được yêu thích tại thị trường Trung Quốc. Không chỉ là loại quả được ưa chuộng mà sầu riêng đang trở thành hot trend - món yêu thích của giới trẻ với đa dạng cách chế biến như pizza sầu riêng, nước uống pha với sầu riêng, bánh nhân sầu riêng và cả lẩu gà nước dừa với sầu riêng. 

Hiện giá sầu riêng tại các siêu thị Bắc Kinh (Trung Quốc) rơi vào khoảng 280.000 đồng/kg. Trái sầu 3-4 kg có giá bạc triệu. Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Từ giữa tháng 9/2022 (thời điểm xuất lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc), giá sầu riêng thu mua tại vườn bắt đầu tăng mạnh. Đến nay, sầu riêng nghịch vụ ở ĐBSCL sốt giá chưa từng có.

Chia sẻ với báo Người Lao Động, ông Thẩm Văn Tiếu (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho hay ông vừa bán khoảng 1 tấn sầu riêng Ri6 và Monthong với giá cao chưa từng có. "Hiện là sầu riêng nghịch vụ, tuần trước, thương lái đến tận vườn thu mua 155.000 đồng/kg, còn Monthong thì 180.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục mà trong nhiều năm trồng sầu riêng tôi bán được", ông Tiếu cho biết.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cũng thừa nhận, loại trái cây này hiện có giá cao kỷ lục lịch sử. Khoảng 30 năm trồng sầu riêng, ông chưa bao giờ thấy có giá cao như vậy.

Trước kia, giá sầu riêng đỉnh điểm cũng chỉ dừng ở 105.000 đồng/kg. Nhưng giữa tháng 1, giá sầu Thái vọt lên 170.000-190.000 đồng/kg, Ri6 140.000-160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu hạ nhiệt đôi chút nhưng vẫn đang neo ở mức cao.

Theo ông Lộc, giá sầu riêng càng đắt đỏ thì hàng càng dễ bán. Trước kia loại sầu 3,5 hộc múi mới đạt tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu, nay loại quả 2,5 hộc các vựa cũng gom mua sạch. Đến sầu kem giờ cũng bán được giá cao.

Không chỉ thu mua với giá cao, chị Linh, thương lái sầu riêng tại Tiền Giang, còn phải chi hoa hồng 1.000 đồng/kg cho người giới thiệu vườn sầu riêng tới vụ thu hoạch. Vậy nhưng, lượng hàng chị gom được vẫn không đủ để cung ứng cho đối tác xuất đi Trung Quốc.

Tại kho đóng hàng ở Tiền Giang, thương lái bán sầu riêng cho đối tác xuất đi Trung Quốc giá 290.000 đồng/kg với monthong loại A, loại B là 210.000 đồng/kg. Với Ri6 giá dao động 170.000-230.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xác nhận từ cận Tết đến nay, giá sầu riêng đang ở mức rất cao. "Sầu riêng hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng cũng không được bao nhiêu vì đứt lứa, khan hàng, nhất là hàng đạt chuẩn thị trường này. Thời điểm hiện tại, chỉ có một số vùng ở ĐBSCL có sầu riêng thu hoạch, còn miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chưa đến mùa nên sản lượng ít trong khi Tết nhu cầu tiêu thụ tăng. Khoảng 1 tuần nữa sẽ có thêm vùng trồng tại Sóc Trăng thu hoạch thì hàng đỡ khan hiếm hơn", ông Tùng nói.

Kinh tế - Từ giáp Tết Nguyên đán đến nay, sầu riêng sốt giá chưa từng có

Xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi, sầu riêng đang có giá cao chót vót. Ảnh: VietNamNet.

Xuất khẩu sang Trung Quốc thuận lợi, thương lái vét sạch hàng đưa sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này, đẩy giá sầu riêng tăng kỷ lục. Tại thị trường nội địa, loại quả này cũng dần vắng bóng.

Ghi nhận của Zing trên các cửa hàng chuyên bán sầu riêng tại quận 7, Tp.HCM cho thấy phần lớn các cửa hàng đều không có sầu riêng để bán.

"Do đang hết mùa nên không nhập được sầu riêng để bán, khoảng 2-3 ngày nữa mới có hàng. Nếu hàng về thì giá sầu riêng Ri6 cũng sẽ rất cao, khoảng 150.000-180.000 đồng/kg tùy loại", chị N.B., đại diện một cửa hàng chuyên bán sầu riêng tại quận 7 (Tp.HCM) cho biết.

Khảo sát tại siêu thị Lotte giá sầu riêng nguyên trái loại 2 gần 140.000 đồng/kg, Sầu riêng 9Phẻ gần 300.000 đồng/kg. Còn tại xe sầu riêng của anh Lê Ngọc Duy chỉ có sầu riêng Ri6 với giá 190.000 đồng/kg.

Lý giải việc giá thu tại vườn đang cao, chị B. cho biết sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ có yêu cầu cao hơn, khoảng 6,5-7 tuổi. Còn trên dưới khoảng này sẽ bán tại thị trường Việt Nam. Do đó, giá mua sầu thái tại vườn mấy hôm nay có thể lên tới 210.000 đồng/kg.

Là người bán sầu riêng lâu năm, chị khẳng định năm nay giá sầu riêng sẽ cao hơn mọi năm. "Mọi khi vào mùa, giá sầu riêng cao nhất cũng chỉ 120.000 đồng/kg, nhưng năm nay sẽ không có giá đó và lượng hàng cũng sẽ không có nhiều", chị nói thêm.

Nỗi lo “giá cao nhưng chất lượng giảm”

Nhờ giá sầu riêng tăng cao nên loại cây trồng này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng sầu riêng cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp thu mua lo ngại.

Trao đổi với VietNamNet, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, năm 2023, doanh nghiệp của bà dự tính sẽ xuất khẩu khoảng 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngày này, vấn đề thu mua sầu để đóng hàng xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà, giá sầu riêng tăng cao là theo quy luật thị trường. Thông thường, giá cao đi cùng với chất lượng. Tuy nhiên, một số nhà vườn đang chạy theo lợi nhuận, thấy giá cao, hàng khan hiếm ép vựa mua cả hàng xấu, cắt hàng non (có lợi về cân nặng) chứ không có sự chọn lọc. Một số thương lái thiếu hàng cũng gom mua các loại sầu mà không phân biệt chất lượng.

Bởi vậy, giá cao nhưng chất lượng giảm. Nghịch lý này đang xảy ra tại các vùng trồng sầu riêng ở ĐBSCL.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Thời điểm này, Thái Lan không có sầu tươi, còn Việt Nam có sầu nghịch vụ, đây là lợi thế lớn của Việt Nam. "Nhưng thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất sang Trung Quốc để chiếm thị phần, chúng ta lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, chẳng khác nào quay lại thời kỳ tư duy "buôn chuyến". Không thể vì khoản lãi 1-2 tỷ mỗi chuyến mà đánh mất uy tín, mất đi mối hàng mà nhiều năm mới xây dựng được", bà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện những vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc còn ít và việc tăng thêm vùng trồng này phụ thuộc nhiều vào phía nước bạn.

Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đã phối hợp địa phương tại các vùng trồng để phổ biến kiến thức, quy định thị trường cho nông dân và doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu sầu riêng cho thị trường Trung Quốc. Đây là bước đi chủ động để sớm được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh có 9.000 ha trồng sầu riêng nhưng chỉ mới có 500 ha được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. "Sầu riêng của tỉnh từ tháng 4 mới có thu hoạch. Chúng tôi đã nộp hồ sơ cho nhiều vùng trồng đủ điều kiện và đang chờ được phê duyệt để tham gia xuất khẩu khi vụ thu hoạch đến", ông Sinh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc còn rất lớn, trong khi diện tích của nước ta mới đảm bảo được 35-40% diện tích quy hoạch, sản lượng đạt hơn 20%. Do vậy, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn nhiều tiềm năng và có lợi thế lớn.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, cung cầu phải có sự tương thích. Nước ta có khoảng 90.000ha sầu riêng. Nếu phát triển được các giống tốt, quy trình canh tác, chất lượng cùng tem nhãn chuẩn được thị trường Trung Quốc ghi nhận thì sẽ đạt được mục tiêu của năm 2023, có thể thành trái cây tỷ USD.

Minh Hoa (t/h)