Từ vụ bé 1 tuổi tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần lưu ý những gì?

Bố mẹ cần theo dõi và phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Tối 15/9, thông tin về bé N.T.B.T. (1 tuổi, ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai) tử vong sau khi đi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản tại trạm y tế thị trấn đã khiến các mẹ có con nhỏ vô cùng thương xót và lo lắng.

Những trường hợp trẻ phản ứng, sốc phản vệ sau khi tiêm chủng không phải hiếm. Nhưng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, khi đưa con đi tiêm, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

Thông báo rõ tình hình sức khỏe của trẻ

Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, nổi mề đay toàn thân, chân tay lạnh, nổi vân tím... cần đưa đi khám ngay. Ảnh minh họa

Mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi đưa con đi tiêm chủng, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, đang mắc bệnh, đang điều trị, có dị tật bẩm sinh, tiền sử dị ứng hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc-xin trong lần tiêm chủng trước... Tất cả những thông tin này sẽ giúp các nhân viên y tế có những chỉ định tiêm chủng phù hợp.

Theo dõi trẻ ít nhất 30 phút sau khi tiêm tại trung tâm tiêm chủng

Sau tiêm 30 phút, cho trẻ theo dõi tại trung tâm vắc-xin, sau đó cho trẻ về và gia đình theo dõi tiếp tại nhà. Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường như khó thở, tím tái, quấy khóc, vật vã, nổi mề đay/ban đỏ toàn thân; Trẻ sốt cao liên tục trên 390C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ; Quầng đỏ sưng cứng tại vị trí tiêm có kích thước trên 2cm... thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời.

Những việc cần làm tại nhà để chăm sóc trẻ sau khi đi tiêm về

Bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm. Ảnh minh họa

- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nhiều nước.

- Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ, có thể cho bé uống thuốc hạ sốt đúng liều phù hợp với cân nặng.

- Quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm hay đè vào chỗ tiêm.

- Nếu vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho vết tiêm. Tuyệt đối không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp hay bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì nó có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.