Băn khoăn cộng điểm ưu tiên vào lớp 10
Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa mới ban hành chỉ có 4 trường hợp học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10. Đối với học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố của Hà Nội nằm ngoài nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 THPT công lập. Việc học sinh lớp 9 đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố không được cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi vào lớp 10 đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh, những người đã rất nỗ lực trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố được tổ chức hàng năm quy tụ những học sinh giỏi của các môn học cùng tranh tài. Trước đó, để lọt được vào đội tuyển này các thí sinh phải trải qua nhiều vòng thi sơ loại từ lớp đến trường, cấp quận huyện, thị xã, thành phố. Thông thường, mỗi quận, huyện sẽ được cử 10 học sinh đi thi cấp tỉnh, thành phố và nhóm học sinh này sẽ trải qua một quá trình học và ôn luyện vất vả với giáo viên đội tuyển trong trường cũng như mời các giáo viên giỏi trong quận, huyện cùng tham gia huấn luyện.
Với lớp 12, đây sẽ là những hạt nhân để lựa chọn đội tuyển thi quốc gia, thi quốc tế sau này và nếu được giải, các em có cơ hội được cộng điểm ưu tiên, thậm chí xét tuyển thẳng vào một số trường đại học tùy theo quy định của mỗi trường.
Tuy nhiên, với học sinh khối 9 trong giai đoạn chuyển cấp quan trọng, giải thưởng học sinh giỏi của học sinh đạt được lại hầu như chưa có sự ưu tiên đặc cách nào so với những học sinh khác. Chị Mai Thu Dung (Đống Đa, Hà Nội), phụ huynh của một học sinh đạt giải Nhì môn Toán kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 của Hà Nội vừa qua chia sẻ, con của chị rất buồn vì chỉ thiếu một chút điểm để đạt được giải Nhất và sẽ được tuyển thẳng vào trường THPT chuyên của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Đại học Sư phạm tuyển thẳng. Còn được giải Nhì, con vẫn phải tham gia thi kỳ thi chung toàn thành phố và không có thêm bất kỳ điểm cộng ưu tiên nào.
“Cháu đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực khi tham gia đội tuyển dù năm học cuối cấp vô cùng căng thẳng. Gia đình cũng động viên con vì hiểu được đam mê của con với môn học này. Tuy nhiên, vì có một thời gian dồn sức cho môn Toán nên hai môn còn lại giờ cháu đang phải tăng tốc hơn so với các bạn. Nếu có thêm sự động viên bằng điểm cộng của giải Nhì, con cũng thấy được an ủi và ghi nhận cho sự nỗ lực của mình”, chị Dung bày tỏ.
"Nếu có các chính sách cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố sẽ động viên các em nhiều hơn bởi các em không chỉ đầu tư mất rất nhiều thời gian mà còn rất nhiều nỗ lực. Hơn nữa, những học sinh đoạt giải đều là những học sinh được tuyển chọn kỹ, có năng lực và các con xứng đáng được động viên sau thời gian dài đầu tư ôn luyện", chị T. Vân Trang – phụ huynh có con đoạt giải Nhì học sinh giỏi thành phố môn Sinh học cho biết.
Lý giải về quy định hiện hành, đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, đối tượng được cộng điểm ưu tiên và tuyển thẳng tại kỳ thi vào lớp 10 là quy định chung trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT được áp dụng với các kỳ tuyển sinh THCS và THPT trên cả nước chứ không chỉ riêng tại Hà Nội.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên VOV, Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng Tổ tự nhiên Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đồng thời cũng là Chủ nhiệm đội tuyển Toán của quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi rất hiểu tâm lý của học sinh và phụ huynh khi các em phải trải qua một chặng đường rất vất vả để đạt được giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, để đạt được thành tích cao, mỗi em đều đã nỗ lực rất lớn. Nếu có bất cứ chế độ cộng điểm nào với những học sinh này cũng đều xứng đáng. Tuy nhiên dưới góc độ quản lý nhà nước, điều phối chung về tuyển sinh, việc giữ cơ chế như hiện nay cũng có những lý do riêng”.
Thầy Bùi Mạnh Tùng lý giải, nếu không cộng điểm cho học sinh giỏi cấp thành phố, phần nào cũng khiến học sinh và phụ huynh cảm thấy công sức của mình chưa được thực sự ghi nhận. Tuy nhiên, nếu cộng điểm ưu tiên cũng sẽ dễ tạo ra bất công, bởi theo quy định của TP Hà Nội, mỗi quận, huyện sẽ chỉ được cử 10 học sinh giỏi ở từng môn tham gia kỳ thi cấp thành phố. Ví dụ, nếu một học sinh xếp thứ 11 của quận Hoàn Kiếm có thể không được lọt vào danh sách đi thi, nhưng với năng lực đó nếu em này học ở một quận huyện khác, lại hoàn toàn có khả năng lọt danh sách top 10 thí sinh giỏi nhất quận để đi thi và đoạt giải.
“Theo quan sát, hàng năm vẫn có trường hợp học sinh không nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, nhưng khi thi vào THPT chuyên vẫn đỗ điểm cao, trong khi đó, thí sinh khác đoạt giải cấp thành phố lại vẫn trượt trường chuyên.
Mỗi quận huyện chỉ được chọn đúng 10 học sinh giỏi để đi thi, không phải quận nào có nhiều học sinh giỏi hơn thì nhiều em được đi thi hơn. Nếu đã khống chế số lượng thí sinh dự thi ngay từ đầu, mặt bằng giáo dục giữa các quận huyện là khác nhau, áp dụng cơ chế cộng điểm sẽ không đảm bảo công bằng. Giả sử, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố có một vòng loại mở ra cho tất cả các thí sinh có năng lực và nguyện vọng có thể đăng ký, từ đó chọn ra 300 học sinh giỏi nhất để vào vòng chung kết thi học sinh giỏi và trao giải, cộng điểm ưu tiên cho những em này, tôi hoàn toàn ủng hộ”, thầy Bùi Mạnh Tùng nói.
Tuyển sinh vào 10: Cần tìm phương án tối ưu
Thầy Bùi Mạnh Tùng, Tổ trưởng Tổ tự nhiên Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đồng thời cũng là Chủ nhiệm đội tuyển Toán của quận Hoàn Kiếm chia sẻ trên Kinh tế & Đô thị, nếu không cộng điểm cho học sinh giỏi cấp TP, phần nào khiến học sinh và phụ huynh cảm thấy công sức của mình chưa được thực sự ghi nhận. Tuy nhiên, nếu cộng điểm ưu tiên cũng khó tạo công bằng, bởi theo quy định của TP, mỗi quận, huyện sẽ chỉ được cử 10 học sinh giỏi ở từng môn tham gia kỳ thi cấp TP cho nên ngay từ vòng loại chọn học sinh giữa các quận, huyện đã có độ chênh nhất định vì trình độ học sinh ở các quận, huyện không giống nhau.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có tỉ lệ chọi rất cao. Việc cộng điểm là chính sách khuyến tài quan trọng giúp học sinh yêu thích bộ môn đó hơn và tạo hiệu quả kép, vừa giúp các trường THPT tuyển được học sinh giỏi, vừa tạo cơ hội để các bộ môn có học sinh chuyên trong giai đoạn sắp tới; không những vậy cũng tạo động lực cho học sinh".
Bên cạnh đó, thầy Hoàng Mạnh Du, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nêu ý kiến: Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng từ khâu phát hiện, chọn lọc, bồi dưỡng học sinh đến ra đề, coi thi, chấm thi… Đây là kỳ thi chính thức do Sở GD&ĐT địa phương tâm huyết và bỏ ra nhiều nhân lực, vật lực, thời gian tổ chức.
Để không lãng phí tài năng, tạo sự công bằng cho các cơ sở giáo dục và cho học sinh, không chỉ Hà Nội, Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương trên cả nước vẫn kiên trì đề xuất thực hiện cơ chế động viên, khuyến khích với học sinh đạt giải bởi đây vừa là chính sách khuyến tài, tạo công bằng cho học sinh lại vừa tạo bình đẳng trong tuyển sinh giữa các nhà trường.
Hà Nội năm nay có 12 khu vực tuyển sinh
Thông tin trên báo Lao Động, đối với các trường trung học phổ thông công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh.
Riêng Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh). Học sinh lưu ý quy định này trong quá trình đăng ký dự tuyển để lựa chọn, quyết định nguyện vọng phù hợp.
Năm học 2022-2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở. Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp 10 các trường THPT khoảng 102.000 học sinh. Trong đó, tuyển vào lớp 10 trường công lập khoảng 72.000 học sinh, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023; tuyển vào lớp 10 trường công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh; tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học sinh; tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn 17.000 học sinh.
Theo Kinh tế & Đô thị, trước đó Thông tư 11/2014 của Bộ GD&ĐT cho phép các Sở GD&ĐT quy định điểm cộng với từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích. Một số Sở GD&ĐT như Hà Nội đã đề ra nhiều diện được cộng điểm khuyến khích (từ 0,5-2 điểm), trong đó có học sinh đạt giải từ cấp tỉnh trở lên trong các cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 môn văn hóa. Tuy nhiên, tại văn bản hợp nhất số 03 của Bộ GD&ĐT, quy định trên được bãi bỏ; đồng nghĩa với việc, học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh không được hưởng ưu tiên.
Nhận thấy những bất cập trong quá trình triển khai, nhiều địa phương đã đề xuất Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương trong cơ chế ưu tiên, khuyến khích tại kỳ tuyển sinh lớp 10.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 cụm thi đua số 1 (gồm 5 TP trực thuộc Trung ương là: Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) do Bộ GD&ĐT tổ chức, các đơn vị đã thống nhất đề nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 7 Quy chế tuyển sinh theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương quy định đối tượng tuyển thẳng vào lớp 10 THPT, điều chỉnh mở rộng thêm học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố cũng được tuyển thẳng.
Trúc Chi (t/h)