Ông Melnyk, người vừa nhậm chức Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng mục tiêu chính của Ukraine lúc này là đạt được những bảo đảm an ninh có tính ràng buộc, không nhất thiết phải liên kết với việc gia nhập NATO. Đại sứ Ukraine nêu rõ trong cuộc phỏng vấn: "Mặc dù việc gia nhập NATO vẫn là một mục tiêu lâu dài, hiện tại chúng tôi coi các bảo đảm an ninh như một giải pháp tạm thời."
Trước đó, các quan chức Ukraine luôn coi việc gia nhập NATO là con đường duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài và công bằng. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng việc gia nhập sẽ khó có thể thực hiện ngay trong bối cảnh chiến sự chưa kết thúc.
Ông Melnyk nhấn mạnh rằng, thay vì đẩy mạnh việc gia nhập NATO, Ukraine hiện đang tập trung vào việc tìm kiếm các bảo đảm an ninh vững chắc hơn, bao gồm các cam kết quân sự rõ ràng từ các đối tác quốc tế. Điều này đánh dấu sự thay đổi trong lập trường của Kiev, nhất là sau khi Bộ Ngoại giao Ukraine hồi đầu tháng bác bỏ mọi bảo đảm an ninh thay thế tư cách thành viên NATO.
Nhà ngoại giao này cho rằng các quốc gia đối tác của Ukraine cần cụ thể hóa các biện pháp quân sự sẽ được áp dụng để bảo vệ nước này nếu Nga tiếp tục có hành động xâm lược, tránh những cam kết chỉ mang tính chất chính trị như Bản ghi nhớ Budapest. Ông cũng đề cập rằng các bảo đảm an ninh có thể được thực hiện thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương với các quốc gia EU và NATO, hoặc thậm chí có thể là một phần trong một hiệp ước hòa bình toàn diện với Nga.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Melnyk lên tiếng về sự phản đối của một số quốc gia thành viên NATO đối với nguyện vọng gia nhập của Ukraine, bao gồm Đức, Slovakia và Hungary, đồng thời cho rằng chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng có thể không ủng hộ việc mở rộng liên minh vào lúc này.
Ngoài ra, ông Melnyk nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Đức và các quốc gia châu Âu khác tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, bất kể khả năng giảm viện trợ từ phía Mỹ dưới thời Trump. Đại sứ Ukraine cũng đồng tình với quan điểm của đảng Cộng hòa rằng các quốc gia NATO ở châu Âu cần chủ động hơn trong việc tự bảo vệ mình và hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vì họ có đủ khả năng tài chính để tăng cường chi tiêu quốc phòng.