Vì sao nằm sấp giúp F0 đỡ khó thở và nằm sấp thế nào mới đúng?

Các bệnh nhân Covid-19 được khuyến cáo nằm sấp. Vậy khi nào thì F0 nên nằm sấp và tác dụng của phương pháp này là gì?

Giải đáp thắc mắc trên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phú, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, nếu cho người mắc Covid-19 nằm sấp, phần sau của phổi mở ra, cho phép phế nang hoạt động dễ dàng hơn.

Ngoài ra, phần lớn phổi nằm ở phía sau cơ thể người, vì vậy, khi bệnh nhân nằm úp sấp, áp lực lên phổi sẽ giảm, hệ thống thông khí tốt hơn, huy động được phế nang ở sau lưng nhiều hơn. Cách nằm sấp có thể áp dụng cho F0 nhẹ đang điều trị tại nhà giúp bệnh nhân dễ thở hơn. Khi kết quả đo oxy cho thấy nồng độ SpO2 dưới 94 % hay F0 thấy mệt, khó thở thì nên nằm sấp. Điều này sẽ cải thiện nhịp thở và tăng độ bão hòa oxy cho người bệnh.

Đời sống - Vì sao nằm sấp giúp F0 đỡ khó thở và nằm sấp thế nào mới đúng?

Hướng dẫn tư thế nằm sấp để cải thiện oxy phổi. Ảnh: Bác sĩ Trương Hữu Khanh cung cấp.

Về cách nằm sấp đúng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM thông tin: Đầu tiên, bạn nằm sấp trên giường phẳng trong 30 phút đến 2h. Sau đó, chuyển sang nằm nghiên bên phải trong 30 phút đến 2h. Tiếp tục ngồi dậy (30 đến 60 độ ) từ 30 phút đến 2h. Tiếp đó, chuyển sang nằm nghiên bên trái trong 30 phút đến 2h và chuyển sang nằm sấp, co chân trong 30 phút đến 2h. Cuối cùng trở lại vị trí nằm sấp trong khoảng thời gian tương tự.

Tuy nhiên tránh nằm sấp với trường hợp mang thai, có huyết khối tĩnh mạch sâu, mắc tim mạch và các vấn đề về cột sống hoặc gãy xương.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý cần theo dõi nồng độ oxy sau mỗi lần thay đổi vị trí, nếu mức oxy giảm xuống dưới 92 %, cảm thấy mệt và rất khó thở, tức ngực, cần báo ngay hệ thống y tế để được nhập viện. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Bên cạnh phương pháp nằm sấp, để cải thiện sức khỏe F0 khi cách ly tại nhà nên tập thở và bổ sung sinh dưỡng đầy đủ.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh nhân mắc Covid-19 bị khó thở có thể do hai nguyên nhân. Một là bệnh nhân quá lo lắng. Hai là họ thực sự có tổn thương ở phổi. Do đó, việc tập thở sẽ giúp người bệnh chú tâm vào nhịp thở để bớt lo lắng đi. Ngoài ra, khi tập thở, toàn bộ vùng phổi phía gần cơ hoành sẽ nở hết ra, giúp phổi trao đổi oxy tốt hơn.

Bạn có thể tập lúc nằm hoặc ngồi, nằm ngửa ra hít chậm bằng mũi, cho đến khi phình bụng sau đó chu miệng thở ra như thổi lửa 15-20 nhịp mỗi lần, ngày 4-5 lần. Ngồi cũng hít sâu sau đó thở ra. Hít giơ tay lên theo nhịp sau đó thở ra.

"Bắt buộc phải tập thở nếu triệu chứng nhẹ, và phải đi bệnh viện nếu khó thở nặng hơn, không còn cách nào khác", bác sĩ nói và khuyến nghị F0 phải bình tĩnh, tập thở thường xuyên. Nếu thấy khó thở mà chưa được hỗ trợ y tế, giải pháp bác sĩ đưa ra là nằm sấp.

Bên cạnh đó, trong quá trình cách ly bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng, cố gắng ăn uống đảm bảo đủ chất, nên uống bổ sung một số loại vitamin như vitamin C, uống nhiều nước, giữ vệ sinh thân thể. Lưu ý tập các động tác thể dục vừa sức, không tập thể dục nặng, đọc sách, báo, tìm kiếm tin tức tích cực, giảm stress...

Ngoài ra, trong bữa ăn bạn nên kết hợp bổ sung các thực phẩm gia vị vào trong món ăn để nâng cao sức đề kháng như tỏi, gừng, hanh, hẹ. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng.

Bác sĩ khuyến cáo nếu gia đình có F0, việc đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh, sau đó xem xét xem người nào trong nhà có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, người lớn tuổi, người có bệnh nền... Từ đó phải cách ly riêng F0 và những người khác, không ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện chung. Đặc biệt phải vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, nhất là nhà vệ sinh - nơi dễ lây nhiễm virus nhất.

Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Thanh Niên) - Người Đưa Tin Pháp Luật