Tri Thức Trực Tuyến đưa tin vào chiều ngày 28/12, Tòa án Nhân dân (TAND) TP. HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Trả lời Hội đồng xét xử (HÐXX), bị cáo Tất Thành Cang thừa nhận bản thân ông bút phê "Ðồng ý" vào một tờ trình của Văn phòng Thành ủy TP. HCM liên quan đến đề xuất bán cổ phần Sadeco. Với tư cách phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM - phụ trách Văn phòng Thành ủy, bị cáo thừa nhận bản thân có thông qua chủ trương.
Trong quá trình xem xét đề xuất doanh nghiệp trình lên, bị cáo nhận một số tờ trình nhưng không thấy tờ trình ấn định giá bán cổ phần. Ngoài ra, bị cáo cùng cấp dưới tổ chức họp bàn bạc, lắng nghe ý kiến các bên trước khi ra quyết sách cuối cùng, báo Người Lao Động thông tin.
Liên quan đến hành vi bán cổ phần trái luật, bị cáo Tất Thành Cang cho rằng những nội dung ghi nhận tại đại hội cổ đông Sadeco quyết định vấn đề này (do bị cáo Tề Trí Dũng - Tổng Giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HÐQT Sadeco - cùng đồng phạm chủ trì) không đúng với chủ trương mà bị cáo bút phê "Ðồng ý".
Vì vậy, bị cáo Tề Trí Dũng cùng cấp dưới phải tự chịu trách nhiệm. "Ở cương vị phó bí thư thường trực, bị cáo làm việc theo nguyên tắc định hướng chứ không can thiệp. Bị cáo không phải là người có chức vụ cao nhất nắm quyền quản lý tài sản Thành ủy TP. HCM", bị cáo Tất Thành Cang giải thích. Nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM khẳng định bản thân không chỉ đạo bán 9 triệu cổ phần và phủ nhận vai trò đầu vụ gây thiệt hại nghiêm trọng này.
Sau phần xét hỏi với bị cáo Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thành ủy TP. HCM) liên quan việc đồng ý bán 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim, bị cáo Tề Trí Dũng được HĐXX hỏi là có làm theo chỉ đạo của ai như cáo trạng công bố hay không?, Tuổi Trẻ Online dẫn thông tin.
Ông Dũng mong HĐXX cho mình được trình bày đủ ngọn ngành câu chuyện. Theo ông Dũng, ông vốn không quen biết ai bên Công ty Nguyễn Kim, tuy nhiên, trong một buổi lễ diễn ra tại Công ty Hiệp Phước thì bị cáo có tham dự.
Buổi đó cũng xuất hiện 2 người của Công ty Nguyễn Kim, trong đó có một người là tổng giám đốc. Khi đó, tổng giám đốc của Nguyễn Kim có nói với bị cáo việc mong muốn được tham gia vào Công ty SADECO, ông Dũng nói mình chỉ là người đại diện phần vốn nhà nước tại SADECO, còn lại việc quyết định ai tham gia vào phải thông qua chủ tịch UBND TP và phó bí thư thường trực Thành ủy lúc bấy giờ là ông Cang.
Nửa tháng sau buổi gặp mặt đó, ông Tề Trí Dũng gặp ông Nguyễn Kim cùng ông Tất Thành Cang và ông Cang có nói với Dũng giúp đỡ Nguyễn Kim. Giải thích về lời khai chỉ đạo giúp đỡ này, bị cáo Tề Trí Dũng khẳng định "anh Cang không chỉ đạo phát hành cổ phần, cổ phiếu, mà chỉ nói giúp đỡ Nguyễn Kim. Việc phát hành cổ phần này là cả quá trình họp và nghiên cứu, báo cáo của SADECO. Việc phát hành cổ phần này không phải là do chỉ đạo của anh Cang".
HĐXX hỏi tiếp có văn bản hoặc chỉ đạo trực tiếp nào của ông Cang về việc bán cổ phần cho Nguyễn Kim không, bị cáo Tề Trí Dũng khẳng định nếu không có lời nói của anh Cang thì chắc chắn không xúc tiến các công việc sau đó, hoặc nếu không đúng ý và chủ trương của lãnh đạo thì không nên làm.
Báo Pháp Luật TP. HCM dẫn lời phản bác của bị cáo Tất Thành Cang, ông Cang cho là mình không có vai trò chỉ đạo, quyết định và là đầu vụ trong vụ án. Vì Đại hội đồng cổ đông SADECO hoạt động tuân theo nguyên tắc đối vốn. Vốn của Văn phòng Thành ủy trong SADECO là 16,7%, không chiếm tỉ lệ phủ quyết đối với hoạt động của HĐQT. Đại diện vốn của Văn phòng Thành ủy chỉ có 2/7 thành viên nên phần vốn của Văn phòng Thành ủy không có vai trò quyết định hoạt động của SADECO.
Ông Cang giải thích từ tờ trình 12A, Văn phòng Thành ủy căn cứ làm tờ trình nhưng tờ trình này không có giá trị pháp lý tại SADECO và không được HĐQT SADECO họp bàn để trình cho đại hội cổ đông.
Tại đại hội cổ đông chỉ trình 1 phương án duy nhất chứ không trình 2 phương án để các cổ đông được lựa chọn biểu quyết. Đại hội cổ đông quyết định thời gian chuyển nhượng vốn ngay sau đại hội trong khi tờ trình không xác định thời gian chuyển nhượng vốn.
Bị cáo cho rằng đại diện vốn khi báo cáo, xin ý kiến phải trung thực, chính xác, kịp thời. Do cơ sở báo cáo không trung thực, không có cơ sở pháp lý từ tờ trình 12A, dẫn đến việc quyết định các nội dung tại đại hội cổ đông không đúng với nội dung bản chất đã được trình bày tại cuộc họp mà ông chủ trì.
Theo Luật quản lý kinh doanh vốn nhà nước, quy chế 119 thì Văn phòng Thành ủy và đại diện vốn Văn phòng Thành ủy không được sử dụng văn bản nội bộ của phó bí thư thường trực với tờ trình để biểu quyết tại đại hội đồng cổ đông năm 2017. Thông báo 495 chỉ có giá trị trong phạm vi 16,7% vốn của Văn phòng Thành ủy và chỉ có giá trị trong đại hội cổ đông nếu đại hội đó căn cứ vào tờ trình 12A.
Trước đó, Thanh Niên dẫn cáo trạng vụ án cho hay, bị cáo Tề Trí Dũng (Tổng giám đốc, thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) với vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỉ đồng.
Cụ thể, trong việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, các cá nhân có chức vụ tại SADECO, IPC, và người đại diện vốn, căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của SADECO để trở thành cổ đông chiến lược, đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim mà không thông qua đấu giá, đấu thầu là trái với quy định.
Cáo trạng xác định thiệt hại của việc Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước là hơn 669 tỷ đồng, gồm vốn của UBND TP.HCM là hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%, vốn của Thành ủy TP.HCM là hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.
Bên cạnh đó, các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (cựu Tổng giám đốc SADECO), Đỗ Công Hiệp (cựu kế toán trưởng SADECO) còn “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong việc chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân không thuộc diện đi du lịch nước ngoài, nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát, học tập” trái quy định, gây thiệt hại cho SADECO gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó thất thoát, thiệt hại cho vốn nhà nước gần 2,2 tỷ đồng.
Đối với tội Tham ô tài sản, các bị cáo liên quan bị truy tố về hành vi sai phạm trong việc sử dụng số tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Tổng số tiền các bị can là HĐQT và ban kiểm soát không chuyên trách chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.