Vụ người phụ nữ 70 tuổi tử vong sau khi đi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn: Đợi kết luận của cơ quan chức năng

Đối với trường hợp nếu có sai sót về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của các bác sĩ dẫn đến việc gây tử vong cho bệnh nhân, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 129 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội "Cố ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" với khung hình phạt từ 01 đến 05 năm tù giam. 

Làm đẹp - Nhu cầu thiết yếu nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước vụ việc một người phụ nữ có tên N.T.T.L (70 tuổi) tử vong sau khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn (số 31 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1, TP HCM).

Liên quan đến vụ việc, chia sẻ trên báo Công Thương, phía đại diện thẩm mỹ JK Nhật Hàn cho biết bệnh viện đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng. 

tu-vong-sau-khi-cang-da-mat2-1710747914.JPG
Bệnh viện thẩm mỹ JK Nhật Hàn nơi xảy ra vụ việc.

Đáng nói, việc làm đẹp dẫn đến thiệt mạng tại các bệnh viện thẩm mỹ tính đến thời điểm hiện tại không phải là trường hợp hiếm gặp. Xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu làm đẹp, kéo dài tuổi xuân của chị em phụ nữ cũng ngày càng gia tăng. 

Tuy nhiên, song hành cùng với đó là những rủi ro tiềm ẩn không lường trước được khi ngoài những ca phẫu thuật thành công, cũng có không ít trường hợp bệnh nhân đã thiệt mạng.

Đầu năm 2019, bệnh nhân V.N.A.T (33 tuổi) tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ngực tại Bệnh viện thẩm mỹ EMCAS (quận 10, TP.HCM). Dù trước đó, theo đánh giá ban đầu của BV thẩm mỹ EMCAS đây là ca phẫu thuật thành công và đảm bảo đúng quy trình. 

Cũng là trường hợp tử vong sau khi căng da mặt, vào 10/2019 tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam, Q.3 (TP.HCM), bệnh nhân T.C.L (59 tuổi, Việt kiều Mỹ) đã tử vong sau 3 ngày điều trị, theo Thanh Niên.

Năm 2022, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã vào cuộc, yêu cầu Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn tạm ngừng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ để chờ điều tra sau khi bệnh nhân L.L.P (61 tuổi) cấy mỡ ngực tại đây và tử vong ngay sau đó, theo Tuổi Trẻ.

Theo Vnexpress, vào 9/2023, hai người phụ nữ nhập viện Chợ Rẫy (TP HCM) trong tình trạng tai biến sau khi tiêm  filler (chất làm đầy) không rõ loại.

Hiện nay tại Việt Nam, Bộ Y tế quy định người thực hiện thủ thuật tiêm chất làm đầy phải là các bác sĩ chuyên gia ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo một cách bài bản. Cơ sở tiến hành thủ thuật phải được cấp phép và đảm bảo nguyên tắc vô trùng khi tiêm, không sử dụng filter không rõ nguồn gốc và chất lượng. 

Căng da mặt gây tử vong: Ai sẽ bồi thường cho nạn nhân?

Về vụ việc nữ bệnh nhân N.T.T.L (70 tuổi) tử vong sau khi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, có không ít người thắc mắc rằng sau vụ việc này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, mức bồi thường như thế nào và liệu bệnh nhân có trách nhiệm liên đới sau sự cố?

Liên quan đến vấn đề này, Phụ nữ và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng và xin được thông tin đến bạn đọc như sau: 

luat-su-nguyen-thi-suongjpg-1710747766.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng.

Trong sự việc lần này, để có thể xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan  thì cần phải đợi kết luận của cơ quan chức năng xác định một số vấn đề cần thiết gồm: 

- Nguyên nhân dẫn đến tử vong của người phụ nữ là gì?

- Quy trình trước, trong và sau phẫu thuật của bệnh viện thẩm mỹ có đúng theo quy định của pháp luật hay không?

- Các bác sĩ khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân N.T.T.L đã được cấp phép hành nghề hay chưa. 

Đối với trường hợp nếu có sai sót về mặt chuyên môn, nghiệp vụ của các bác sĩ dẫn đến việc gây tử vong cho bệnh nhân, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 129 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội "Cố ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" với khung hình phạt từ 01 đến 05 năm tù giam. 

Người phạm tội còn có có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. 

Tùy vào tình tiết của vụ việc mà các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện thẩm mỹ còn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" được quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với khung phạt từ 01 năm đến 05 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm bồi thường: Căn cứ vào các Điều 584, 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người khác mà gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường. 

Trong trường hợp này, người vi phạm quy định về khám chữa bệnh sẽ phải bồi thường cho thân nhân của người bị tử vong. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được xác định bao gồm các chi phí như: 

- Chi phí cấp cứu.

- Thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại và của người thăm nuôi. 

- Chi phí mai táng

- Chi phí cấp dưỡng cho những người mà  người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Bồi thường tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm. 

Ở góc độ khác, cũng cần xem xét ở khía cạnh của nạn nhân. Trong trường hợp nạn nhân có ký cam kết rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ và không cung cấp cho các bác sĩ về tình hình sức khỏe của mình, đồng thời toàn bộ quá trình tiến hành phẫu thuật đều đáp ứng các quy định của pháp luật, của Bộ Y tế, không để xảy ra sai sót thì có thể bác sĩ sẽ không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này. 

Sau nhiều vụ việc, có nên chăng cần thiết lập một hành lang pháp lý đủ mạnh, tăng cường giám sát kiểm tra, đột xuất các cơ sở thẩm mỹ để đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Ngoài ra, đối với các bác sĩ hoạt động trong ngành thẩm mỹ, cũng cần được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề, sử dụng các vật dụng trang thiết bị y tế có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Các cơ sở thẩm mỹ cũng cần công khai minh bạch các thông tin về cơ sở, bác sĩ cũng như dịch vụ thẩm mỹ. 

   Xem thêm: TP.HCM: Người phụ nữ 70 tuổi tử vong sau khi đi căng da mặt tại Bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn

Đừng để "chờ được mạ, má đã sưng"

Trước khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc để đòi lại quyền lợi cho mình, những bệnh nhân có nhu cầu làm đẹp, đặc biệt là chị em phụ nữ cũng cần tỉnh táo trước khi lựa chọn các dịch vụ thẩm mỹ. 

tu-vong-sau-khi-cang-da-mat-1710747914.JPG
Nhu cầu làm đẹp của các chị em phụ nữ là nhu cầu thiết yếu nhưng cần thông minh và sáng suốt lựa chọn các cơ sở uy tín để tiến hành, tránh rủi ro cần thiết.

Rõ ràng việc cấm chị em phụ nữ đi làm đẹp là điều không thể, thay vì thế, ngoài việc cần một hành lang pháp lý đủ mạnh trong ngành thẩm mỹ thì các chị em phụ nữ cũng cần: 

- Lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín: Có giấy phép hoạt động và bác sĩ có chuyên môn cao. 

- Nên tìm hiểu kỹ thông tin về dịch vụ, vật liệu cũng như rủi ro tiềm ẩn trước khi tiến hành. 

- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. 

- Cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định, "an toàn" là vấn đề ưu tiên hàng đầu. 

Làm đẹp được xem là nhu cầu thiết yếu không thể thiếu, nhưng cần làm đẹp một cách "thông minh và an toàn". Bởi lẽ "không có nhan sắc nào đẹp hơn sức khỏe và tính mạng" và cũng không có "nhan sắc nào vĩnh cửu".

Hồng Hạnh