Vụ rơi thang máy ở Hà Nội: Dân phải góp tiền sửa chữa dù được hỗ trợ

Dù thuộc diện được hỗ trợ ngân sách để sửa chữa, bảo trì thang máy nhưng nhiều năm qua, các cư dân tòa B10A Nam Trung Yên đều phải đóng góp tiền để sửa chữa.

Liên quan đến vụ thang máy tại chung cư B10A Nam Trung Yên bị rơi tự do khiến nhiều người bị thương, UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa có báo cáo gửi UBND quận Cầu Giấy về sự cố này.

Ngoài nội dung báo cáo về diễn biến vụ việc, tình trạng sức khỏe các nạn nhân gặp nạn, UBND phường Trung Hòa còn yêu cầu Ban Quản trị tòa nhà khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí quản lý vận hành và kinh phí sửa chữa 6 hạng mục nhà chung cư được ngân sách hỗ trợ theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND. Không để tình trạng thang máy hư hỏng không có kinh phí sửa chữa, sửa chữa tạm có thể dẫn đến các sự cố tương tự đe dọa an toàn tính mạng của người dân.

Toà nhà tái định cư B10A Nam Trung Yên - nơi xảy ra sự cố thang máy rơi.

Lý giải về đề nghị hỗ trợ ngân sách nhà nước nêu trên, một lãnh đạo UBND phường Trung Hòa cho biết, tòa B10A Nam Trung Yên là nhà chung cư phục vụ tái định cư, được cơ quan nhà nước hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung (6 hạng mục trong đó có hệ thống thang máy) và hỗ trợ một phần công tác quản lý vận hành tòa nhà.

Tuy nhiên, kể từ khi Quyết định số 18 nêu trên có hiệu lực thì tòa B10A vẫn chưa được cơ quan chức năng có liên quan hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, bảo trì các hạng mục, trong đó có hệ thống thang máy. Khi các hạng mục bị hư hỏng đều do các cư dân sinh sống ở tòa nhà này đóng góp tiền để sửa chữa.

Khu vực thang máy đang được niêm phong.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Xuân - Bí thư chi bộ Tổ dân phố 45 (cư dân ở tòa B10A) cho hay, từ nhiều năm nay khi tòa nhà còn thuộc quản lý của Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị (tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thì hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố, các cư dân toàn phải đi cầu thang bộ. Sau khi Ban quản trị được thành lập, nơi đây tổ chức họp dân và trích tiền từ quỹ 2% bảo trì chung cư sửa chữa 4 chiếc thang máy để sử dụng.

Một lãnh đạo Ban quản trị tòa B10A cho hay, khi nhận bàn giao hiện trạng nhà chung cư này từ Xí nghiệp Quản lý và Dịch vụ đô thị vào hồi tháng 12/2019 thì 3/4 chiếc thang máy không thể sử dụng được. Nhắc đến sự cố rơi thang máy vào chiều 29/11, vị lãnh đạo này cho biết Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành làm việc với Ban quản trị, tiếp nhận hồ sơ bảo trì, giấy tờ vận hành thang máy để làm rõ nguyên nhân.

Nạn nhân bị gãy chân do thang máy rơi đang được điều trị tại Bệnh viện 19-8.

Trả lời báo chí, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy thừa nhận, người dân tại đâu đã nhiều lần phản ánh về việc có sự cố đối với hệ thống thang máy của chung cư B10A Nam Trung Yên và tới chiều qua thì xảy ra sự cố nghiêm trọng rơi thang máy tự do. Cũng theo vị này, sau khi xảy ra sự việc, quận đã triển khai rà soát, thống kê lại tất cả các tòa nhà có hệ thống thang máy cũ để lên phương án tuyên truyền, gia tăng các biện pháp an toàn cho cư dân.

Được biết, tòa nhà B10A được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2012, do tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ Đầu tư. Tòa nhà này được thiết kế 17 tầng, có 4 thang máy, 4 cầu thang bộ. Thang máy của tòa nhà sử dụng của hãng thang máy ThyssenKrupp và cả 4 thang máy của tòa nhà mới được kiểm định hôm 12/8/2020 và có hiệu lực đến 12/8/2021. Hiện thang máy gặp sự cố đang được Công an quận Cầu Giấy niêm phong để điều tra làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến vụ việc trên, theo ông Đặng Văn Cẩn - đại diện Ban Mặt trận Tổ dân phố 45 (phường Trung Hòa) cho biết, mới đây 4 chiếc thang máy (3 thang di chuyển, 1 thang chở hàng) của tòa nhà đã được Ban quản trị mua sắm các linh kiện, thiết bị xuất xứ nước ngoài để sửa chữa. Tổng số tiền bỏ ra để sửa chữa, bảo dưỡng lên tới hơn nửa tỷ đồng.