Ăn na ai cũng sợ có giòi nhưng chuyên gia chỉ ra một điều đáng sợ hơn, người lớn hay trẻ nhỏ đều phải cẩn trọng

CTV
Dù na giàu dinh dưỡng nhưng cũng chứa nhiều đường tự nhiên, khi ăn cần chú ý, nhất là khâu lựa chọn ban đầu để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Na là loại quả có theo mùa, chín rộ vào khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm và được nhiều người ưa thích. Quả na khi chín có hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều calo và có lượng đường tự nhiên khá lớn. Dù vậy, quá trình sử dụng mọi người cần lưu ý một số điểm để không gây hại cho sức khỏe.

Một vấn đề nhiều người gặp phải, cũng như rất quan tâm khi ăn na, đó là tình trạng quả na có giòi. Thực tế, với những người thường xuyên ăn na, việc gặp giòi thậm chí ăn phải giòi không hề hiếm gặp. Vậy khi ăn phải giòi có trong quả na liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe?

Quả na nhiều dinh dưỡng nhưng khi mua cần lựa chọn cẩn thận. Ảnh minh họa. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, quả na có nhiều "mắt", nhất là khi chín các mắt này “mở” và căng ra, tạo điều kiện cho các loại côn trùng xâm nhập và tấn công. Bản chất giòi ở qua na là do các loại côn trùng đậu và đẻ trứng tại đây, sau đó sinh ra ấu trùng giòi.

“Những quả na chín cây thường sẽ hay bị giòi hơn, vì khi chín chúng thu hút các loại côn trùng đến và đẻ trứng. Sau đó trứng nở ra các ấu trùng (giòi) và đi sâu vào bên trong để ăn phần thịt của quả na. Do lý do này, người thu hoạch thường hái khi na già, đã mở mắt thay vì để chín rộ trên cây”, ông Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, về bản chất, khi không may ăn phải giòi trong quả na cũng không gây nguy hại trực tiếp tới sức khỏe, tuy nhiên về cảm quan thì mọi người thường “ghê”, thậm chí buồn nôn và không dám ăn na. “Thường ký sinh trùng giun sán khi vào cơ thể vẫn tồn tại, thậm chí gây hại. Còn giòi khi ăn vào thường bị cơ thể tiêu diệt và tiêu hóa”, ông Thịnh cho hay.

Giòi trong quả na không gây hại trực tiếp cho sức khỏe, nhưng tạo cảm giác mất an toàn khi ăn. Ảnh minh họa. 

Để tránh ăn phải giòi trong quả na, vị chuyên gia này khuyến cáo mọi người cần phải chú ý đến khâu lựa chọn. Trước hết là chọn những quả na không bị giập nát, không có những vết thối, nứt phía ngoài. Nên chọn quả vừa chín tới để ăn luôn, hoặc chọn quả già đã mở mắt về bảo quản 1-2 hôm chín rồi sử dụng. Ngoài ra, khi ăn cần tách phần vỏ, quan sát phần thịt quả na phía trong kỹ lưỡng trước khi ăn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, ăn na có giòi không đáng sợ bằng việc lỡ cắn nát hạt na hoặc trẻ nhỏ hóc hạt na khi ăn. Ông Thịnh lưu ý, không nên cho trẻ con tự ăn na vì hạt na khá trơn và dễ nuốt, thực tế đã có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng vì nuốt phải hạt na.

Người lớn khi ăn na cũng tránh cắn vỡ hạt na, vì trong hạt na có độc tính, nếu không may cắn nát và nuốt phải có thể bị ngộ độc. “Trường hợp người lớn nếu nuốt phải hạt na vào dạ dày thì không cần quá lo lắng, vì hạt na cứng, khó tiêu hóa và chúng sẽ ra ngoài theo phân. Tuy nhiên, nếu cắn vỡ hạt na thì dễ ngộ độc”, ông Thịnh cho hay.

Khi ăn na cần chú ý phần hạt, không nuốt hay nhai hạt na vì chúng chứa độc tố và dễ gây hóc. Ảnh minh họa. 

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, quả na có nhiều dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và các loại khoáng chất như canxi, magiê, sắt, kali… Tuy nhiên, quả na chín chứa nhiều đường nên sẽ cung cấp lượng calo đáng kể cho cơ thể khi ăn. Do vậy, mọi người cần ăn vừa phải, không vì đang vào mùa giá rẻ hay vì ngon mà sử dụng quá nhiều.

“Những người đang bị thừa cân béo phì nên hạn chế ăn na, vì ăn nhiều sẽ tăng cân. Người bình thường cũng chỉ nên ăn 1-2 quả na cỡ vừa/ngày và không nên ăn cùng một lúc. Không nên ăn trước bữa ăn, vì na có nhiều đường, ăn như vậy sẽ gây cảm giác no bụng, không muốn ăn các thực phẩm khác”, bác sĩ Hưng tư vấn.