Biến thể Omicron lan rộng ở nhiều quốc gia, WHO kêu gọi hủy bỏ các sự kiện nghỉ lễ

Trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan truyền rộng rãi ở các quốc gia, Tổng giám đốc WHO khuyến cáo mọi người hủy bỏ các cuộc tụ tập đông người trong kỳ nghỉ lễ.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/12 (giờ địa phương) đã khuyến cáo mọi người hủy bỏ các cuộc tụ tập đông người trong kỳ nghỉ do biến thể Omicron tiếp tục lan rộng, Euro News đưa tin. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO nói rằng "một sự kiện bị hủy bỏ tốt hơn là một cuộc sống bị hủy bỏ".

bien the omicron lan rong o nhieu quoc gia who keu goi nen huy bo cac su kien nghi le

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi nên hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người vào dịp nghỉ lễ vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron. Ảnh minh họa. Nguồn: AP. 

"Tất cả chúng ta đều phải chật vật vì đại dịch này. Ai cũng đều muốn dành thời gian cho bạn bè và gia đình, cũng như quay trở lại cuộc sống bình thường. Cách nhanh nhất để làm điều này là các nhà lãnh đạo cần đưa ra quyết định khó khăn và mỗi cá nhân phải biết bảo vệ bản thân mình. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là hủy bỏ hoặc trì hoãn các sự kiện đông người", ông Tedros nói. 

Người đứng đầu WHO đã đưa ra "bằng chứng nhất quán" rằng biến thể mới nhất đang được quan tâm Omicron, đang lây lan "nhanh hơn đáng kể" so với biến thể Delta. Dữ liệu cho thấy rằng tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng của Omicron nhanh hơn từ 1,5 đến 3 ngày.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để kết luận rằng Omicron là một biến thể nhẹ hơn Delta và nhấn mạnh rằng các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có khả năng chống lại các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được sử dụng để chống lại đại dịch.

Bằng chứng hiện tại cho thấy nhiều khả năng những người đã được tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm bởi Omicron.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, việc chấm dứt đại dịch vào năm 2022 có thể được thực hiện nhưng trước tiên thế giới "phải chấm dứt tình trạng bất bình đẳng bằng cách đảm bảo 70% dân số của mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm 2022".

Ông cảm thấy thất vọng rằng một số quốc gia đang tiêm liều vaccine tăng cường cho trẻ em trong khi dân số cao tuổi của các quốc gia khác vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Theo dữ liệu từ Our World in Data, 48% dân số thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng các quốc gia có thu nhập trung bình và cao đã có thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn nhiều bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 70% dân số của họ, so với tỷ lệ 33% đối với các nước thu nhập trung bình thấp và chỉ 3,7% cho các quốc gia thu nhập thấp.

Hiện chỉ có 8,4% dân số trên lục địa châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Hơn 5,3 triệu người hiện đã mất mạng vì đại dịch COVID-19, với 3,3 triệu người vào năm 2021. "Con số này cao hơn số ca tử vong do HIV, sốt rét và bệnh lao cộng lại vào năm 2020", ông Tedros nói.