Cuối tuần qua, liên bộ Công Thương – Tài chính đã tăng giá xăng dầu trong nước theo chu kì điều hành. Theo đó, từ 15 giờ ngày 6-10, giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng với mức dao động từ 400-750 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 675 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 577 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít; dầu hỏa tăng 403 đồng/lít; dầu madut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg.
Điều này đưa giá xăng RON 95 chạm mốc 22.347 đồng/lít; xăng E5 RON92 có giá 20.906 đồng/lít. Đây là lần thứ ba liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, xăng dầu trong nước tăng giá. Sau 3 đợt tăng giá liên tục, tổng cộng mỗi lít giá xăng E5 RON 92 đã tăng khoảng 1.296 đồng; xăng RON 95 đã tăng hơn 1.170 đồng.
Cuối tuần qua, liên bộ Công Thương – Tài chính đã tăng giá xăng dầu trong nước theo chu kì điều hành. Ảnh minh họa
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ Tổ điều hành giá xăng dầu trong nước cho biết, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh. Giá giao dịch trên thị trường Singapore (giá Platt Singapore) đối với xăng RON92 ngày 2-10 2018 ở mức 92,5 USD/thùng là mức cao nhất từ tháng 11-2014 đến nay; tương tự, giá dầu diesel 0.05S ngày 3-10 ở mức 100 USD/thùng, là mức cao nhất từ tháng 10 năm 2014 đến nay.
Theo vị này, tính ra bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6-10 là 90,363 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,5 USD/thùng, tương đương tăng 4,08% so với kỳ trước); 92,4 USD/thùng xăng RON95 (tăng 3,586 USD/thùng, tương đương tăng 4,04% so với kỳ trước); 96,8 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 5,1 USD/thùng);…
Tuy nhiên, vị này chia sẻ thêm, giá xăng dầu trong nước ba kì điều hành gần đây đáng ra phải điều chỉnh tăng nhiều hơn nếu theo đúng biến động của giá thế giới. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo điều hành giá, Tổ điều hành giá xăng dầu đã đồng ý để doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn giá, tăng giá xăng dầu ở mức thấp nhất.
Theo báo Tiền Phong thông tin, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không chỉ giúp việc kiểm soát CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Ông Hải cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 9, liên bộ có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá. Mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít và 10 lần giữ ổn định giá.
Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, ông Đỗ Thắng Hải cho biết thời điểm tính thuế này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng, vì thế sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Để giữ giá xăng dầu, theo Bộ Công Thương, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Hoàng Hằng (T/h)