Các trường sẽ xử lý ra sao với các giảng viên dùng bằng giả của đại học Đông Đô?

Nhiều trường sau khi phát hiện học viên dùng văn bằng giả của đại học Đông Đô làm luận án tiến sĩ đã ngay yêu cầu bằng thay thế, nhiều trường chờ ý kiến chỉ đạo của bộ GD&ĐT để xử lý.

Liên quan đến vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại đại học Đông Đô khiến dư luận xôn xao những ngày qua, nhiều người thắc mắc các trường đại học xử lý sao với giảng viên, nghiên cứu sinh dùng bằng giả của đại học Đông Đô? Nhất là khi trong số đó nhiều trường đại học top đầu có giảng viên dùng bằng giả.

Văn phòng đại học Đông Đô.

Cụ thể, đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, đại học Sư phạm Hà Nội: 8 trường hợp, học viện Báo chí & Tuyên truyền và đại học Huế mỗi đơn vị có 4 trường hợp dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của đại học Đông Đô.

Chiều 21/12, PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết nhà trường đã nắm được danh sách những giảng viên, nghiên cứu sinh tại trường dùng văn bằng 2 tiếng Anh của đại học Đông Đô.

“Sau khi kiểm tra, những trường hợp này đều có tham gia các lớp học của đại học Đông Đô, nộp học phí theo quy định, tức là họ có học thật theo chương trình quy định. Những trường hợp này, học viện Báo chí & Tuyên truyền đã làm văn bản báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của bộ GD&ĐT, hiện bộ GD&ĐT vẫn chưa có phản hồi”, ông An thông tin.

Tương tự, đại học Sư phạm Hà Nội cho hay đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô cấp.

Trong khi đó, đại học Quốc gia Hà Nội thông tin rằng trường này không công nhận văn bằng đối với những trường hợp dùng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh của đại học Đông Đô.

“Nếu nghiên cứu sinh không có chứng chỉ quốc tế theo quy định hoặc có văn bằng ngôn ngữ Anh của trường đại học được phép đào tạo và cấp bằng để thay thế thì sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục làm nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ”, đại diện đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Còn ông Đoàn Đức Lương - Hiệu trưởng đại học Luật (đại họcHuế) thì cho biết trường này chưa nhận được thông tin về giảng viên hay nghiên cứu sinh của trường dùng bằng của đại học Đông Đô nên chưa biết hướng xử lý.

Trước đó, theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động đại học Đông Đô chưa được bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của đại học Đông Đô lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Kết luận của Cơ quan an ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch - tài chính và Vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của đại học Đông Đô, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 trong khi trường chưa được cho phép đào tạo, là vi phạm quyết định của bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2.

Theo nhiều chuyên gia, về nguyên tắc vụ Giáo dục đại học phải trình lên lãnh đạo bộ quyết định cho phép trường đào tạo văn bằng 2. Sau đó dựa vào hồ sơ năng lực của trường, vụ Kế hoạch - tài chính mới xem xét chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 mà trường đăng ký.

"Trách nhiệm của các cá nhân liên quan phải được làm rõ. Bộ GD&ĐT cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của trường này, trong đó bao gồm cả nguyên nhân vì sao không phát hiện được sai phạm trong thời gian dài ", TS Lê Viết Khuyến nói.