Chạy dịch, người dân ồ ạt về quê, nguy cơ thiếu hụt lượng lớn lao động

Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…

Theo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, số ca F0 tăng lên không ngừng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài từ cuối tháng 6 đến nay (gần 2 tháng) tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động phải nghỉ việc về quê.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch để đưa lao động về quê, tuy nhiên do yêu cầu về y tế, mới đưa được hơn 50.000 người trở lại quê, trong đó ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, với sức ép về cuộc sống hàng ngày, tâm lý lo sợ mắc bệnh nên nhiều người lao động đã tự phát “ồ ạt” về quê bằng các phương tiện cá nhân, không có đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế…

Số lao động tự phát di chuyển hơn 100.000 người khiến cho chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc theo dõi, các khu cách ly y tế quá tải. Luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung. Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, hiện nay có hơn 50.000 người đăng ký với chính quyền địa phương.

"Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ “thiếu hụt lao động” với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…", đại diện Cục Việc làm nhận định.

Theo Hiệp hội dệt may thì số lao động đáp ứng được 65-70% nhu cầu, trong thời gian quý 3, quý 4 để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng thì số lượng lao động cần tuyển khá lớn.

Theo đánh giá chung của Cục Việc làm, tác động của 2 đợt dịch Covid-19 trong 7 tháng đầu năm 2021 đến thị trường lao động vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 đã làm “tê liệt” một thị trường lao động phía nam sôi động nhất, thu hút nhân lực nhất của cả nước. Mọi lao động đều bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt lao động ngoại tỉnh làm công ăn lương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động khu vực phi chính thức. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong cuối tháng 7 vừa qua cho thấy khả năng chịu đựng, chống lại với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

N.T - VOV.VN