Chen lấn đi tiêm vắc-xin Covid-19: Lợi bất cập hại

Nhiều người kéo đến đông đúc, chen lấn khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã khiến bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E và một số bệnh viện khác bị quá tải, tiềm ẩn rủi ro.

Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được phát động vào ngày 10/7 vừa qua. Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp như hiện nay việc tiêm vắc-xin để đạt bao phủ miễn dịch cộng đồng như mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra được coi là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu.

Người dân đều có thể đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thông qua ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử online.  Để đáp ứng nhu cầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của người dân, nhiều đơn vị cũng đã được huy động tổng lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

1a-1626964654.jpg

Việc tiêm chủng đảm bảo giãn cách tại bệnh viện E. 

Tại Hà Nội, cho đến thời điểm hiện tại, về cơ bản công tác tiêm chủng đang được thực hiện tốt, bài bản, đảm bảo giãn cách, giúp người dân yên tâm khi đến tiêm chủng. 

Đơn cử như bệnh viện E, theo ghi nhận những ngày qua, bệnh viện đã thực hiện rất tốt việc tiêm vắc – xin cho hơn 50.000 người, việc tiêm chủng diễn ra trong trật tự, người dân tuân thủ các quy định giãn cách, quy định 5K của bộ Y tế…

Để được tiêm chủng, những đối tượng thuộc diện ưu tiên phải đăng ký với bệnh viện E. Sau khi nhận được thông tin đăng ký, bệnh viện sắp xếp thời gian và số lượng người đi tiêm trong một khoảng thời gian hợp lý và nhắn tin số điện thoại cầm tay của từng người trước 24h.

Công tác phân luồng cho người đi tiêm cũng được bệnh viện E chú trọng, bên cạnh việc bố trí cho người dân đến tiêm đi một lối riêng, đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện cũng tổ chức kiểm tra thân nhiệt ngay từ cổng, nếu phát hiện trường hợp nào có nhiệt độ cao ngay lập tức được chuyển ra khu vực khác để kiểm tra.

Khu vực tiêm tổ chức khoa học, các khu vực đo thân nhiệt, khai báo y tế, khai báo thông tin, đo huyết áp, khám sàng lọc, tiêm vaccine và theo dõi sau tiêm, bảo đảm rà soát đúng đối tượng, thuận tiện cho người dân.

Tuy vậy, do đây là lần đầu tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, cộng với tâm lý muốn tiêm nhanh của người dân nên vẫn còn tình trạng chen lấn ngoài ý muốn. Bản thân các bệnh viện lớn được giao nhiệm vụ tiêm chủng cũng luôn xác định đảm bảo giãn cách, an toàn cho người dân. Song, do ý thức người dân với tâm lý muốn đến sớm để tiêm sớm mà không theo thời gian thông báo của bệnh viện nên đã xảy ra tình trạng đông đúc cục bộ.

Trong ngày 22/7, tại bệnh viện E đã xảy ra sự cố ngoài ý muốn do những người đi tiêm nôn nóng và không thực hiện nghiêm việc giãn cách. Giám đốc bệnh viện E Lê Ngọc Thành cho biết sau khi phát hiện tình trạng tụ tập đông người ở điểm tiêm tại bệnh viện, lãnh đạo cơ quan đã quyết định dừng điểm tiêm này, xin ý kiến bộ Y tế và thành phố.

Ông Thành cho biết việc tụ tập đông người hôm nay là "sự cố ngoài ý muốn", người dân đến đăng ký tiêm nhưng không theo thời gian hẹn, dẫn đến việc ùn ứ, chen chúc. "Điểm tiêm vắc-xin này đã được thực hiện từ trước, đến nay đã tiêm cho khoảng 50.000 người. Nhưng hôm nay mới có sự cố, chúng tôi đã quyết định dừng để xin ý kiến và tổ chức lại theo đúng quy định", ông Thành nói.

Cùng thời gian buổi chiều nay, theo ghi nhận tại bệnh viện Bạch Mai cũng đã có rất đông người lộn xộn, chen lấn khi xếp hàng chờ tiêm.

1b-1626964744.png

Hình ảnh người dân xếp hàng chờ tiêm tại bệnh viện Bạch Mai chiều 22/7.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về việc biển người chen chân để chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, Ths. Phạm Thị Ngọc Dung, nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng, (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho rằng: “Chắc chắn, những giai đoạn đầu ở khâu chuẩn bị, xây dựng kịch bản có thể đơn vị tiêm không lường trước được kịch bản. Bởi lẽ, tiêm chủng là mọi người dân đều có quyền được tiêm,  đối tượng nào được ưu tiên. Như ở TP.HCM những ngày đầu triển khai tiêm khâu tổ chức bị lỗi”.

Theo bà Dung, mặc dù vậy người dân cũng cần có ý thức để làm sao phối hợp cùng đội ngũ nhân viên y tế để triển khai kế hoạch tiêm chủng một cách tốt nhất. Bởi, rõ ràng hiện nay ai cũng muốn được tiêm vắc-xin một cách nhanh nhất.

“Làm sao điều tiết con người đến tiêm một cách nhịp nhàng, đảm bảo việc giãn cách. Tôi nhấn mạnh, bên thực hiện tiêm cũng phải có khâu tổ chức tốt, ngay cả ở khu dân cư người dân cũng phải có ý thức phối hợp thì sẽ đảm bảo tiêm chủng tốt hơn”, Ths. Dung bày tỏ.

Trước thông tin có hàng trăm người là cán bộ, công nhân viên của một số doanh nghiệp tập trung trong khuôn viên một số bệnh viện để chờ đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19, dẫn đến tình trạng đông đúc, Ths. Dung cho rằng: “Các doanh nghiệp, tổ chức nên phân chia thời gian của nhân sự cho hợp lý”.

Ngoài ra là người công tác trong lĩnh vực y tế, Ths. Dung cho rằng tiêm chủng ở bệnh viện có những mũi tiêm phòng bệnh tiêm chủng thông thường khác, người đến tiêm sẽ đến rải rác, có nhu cầu mới đến. Còn đây là chiến dịch tiêm chủng lớn phòng Covid-19 , khi đã gọi là chiến dịch thì làm sao triển khai phải nhanh, số lượng đông làm sao tạo miễn dịch cộng đồng.

“Khi đã được gọi là chiến dịch thì tất cả cùng huy động để làm và  khi số lượng người đông thì không tránh khỏi áp lực, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang căng thẳng. Vì vậy, mỗi người khi đến tiêm cũng cần có ý thức tự giãn cách, tránh chen lấn, xô đẩy để thực hiện tiêm phòng một cách hiệu quả nhất”, Ths. Dung nhấn mạnh.