Con nhập viện thì bố mẹ được hưởng chế độ ốm đau thế nào?

Chị Ninh hỏi: Con tôi năm nay 4 tuổi, thứ 3 vừa rồi con tôi bị sốt xuất huyết phải nhập viện và đang được điều trị. Vợ chồng tôi rất lo, gia đình sống xa nội ngoại nên phải tự túc chăm con ốm. Quý công ty cho tôi hỏi trong trường hợp của tôi, cả hai đều đang đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ hưởng chế độ khi con ốm như thế nào?
conom-1614600557.png

Trả lời:

Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (“FDVN”), sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật, chúng tôi có những thông tin trao đổi sau:

Theo Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định như sau: “Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.”

Theo đó, trong trường hợp này, con Quý khách năm nay 4 tuổi thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính số ngày chăm sóc con tối đa là 15 ngày làm việc.

Khi cả hai vợ chồng đều đang đóng bảo hiểm xã hội mà có con bị ốm thì căn cứ theo Điểm b, điểm c Điều 5 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì:

“Điều 5. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau

b) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 7: Hai vợ chồng bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2016. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:

- Bà B nghỉ chăm con từ ngày 11/01 đến ngày 17/01/2016 và từ ngày 25/01 đến ngày 05/02/2016;

- Chồng bà B nghỉ chăm con từ ngày 18/01 đến ngày 24/01/2016.

Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:

+ Đối với bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.

+ Đối với chồng bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.

c) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 8: Hai vợ chồng chị T đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con trai 5 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị bệnh từ ngày 07/3/2016 đến ngày 11/3/2016. Trong thời gian con phải nằm viện điều trị bệnh, cả hai vợ chồng chị T đều nghỉ việc để chăm sóc con.

Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng chị T đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau với thời gian là 05 ngày.”

Như vậy, khi cả hai vợ chồng Quý khách đều đang tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể luân phiên nghỉ việc hoặc cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau. Cả hai trường hợp này đều được giải quyết hưởng chế độ ốm đau, theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã nêu trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.

Theo Thanh Trà – Công ty Luật FDVN