The Guardian đã công bố kết quả một khảo sát mới đây được tiến hành để đánh giá về mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với toàn thế giới, trong đó, khảo sát chỉ ra thế giới đã mấy hơn 28,1 triệu năm tuổi thọ vì đại dịch.
Con số khổng lồ đã được tiết lộ trong một nghiên cứu do Đại học Oxford dẫn đầu, chuyên tính toán số năm tuổi thọ bị mất (YLL) ở 37 quốc gia. Nghiên cứu này đã đo lường số người chết và độ tuổi họ khi họ qua đời do đại dịch. Đây được xem là đánh giá chi tiết nhất về tác động của Covid-19 tới toàn cầu.
Cùng với sự sụt giảm đáng kể tuổi thọ ở hầu hết các quốc gia, số năm tuổi thọ bị mất do các trường hợp tử vong sớm cũng tăng vọt. Tiến sĩ Nazrul Islam, thuộc Bộ phận Y tế Dân số của Oxford’s Nuffield, người đứng đầu nghiên cứu cho biết ông và nhóm của mình đã bị "sốc" trước những phát hiện trên. Ông chia sẻ: "Đã có thời điểm chúng tôi phải tạm dừng để giải quyết mọi thứ. Chưa có gì khiến tôi cảm thấy sốc như đại dịch".
Để hiểu được tác động đầy đủ của Covid-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong thế kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phải đếm số ca tử vong và phân tích tỷ lệ của những ca tử vong sớm. Sử dụng thước đo YLL, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tham gia nghiên cứu đã ước tính những thay đổi về số tuổi thọ bị mất đi do mọi nguyên nhân vào năm 2020.
Họ đã so sánh số tuổi thọ quan bị mất đi vào năm 2020 với tuổi thọ dự kiến dựa trên xu hướng lịch sử trong giai đoạn 2005-2019 ở 37 quốc gia có thu nhập trên trung bình và cao. Trong đó, từ năm 2005 đến 2019, tuổi thọ ở nam giới và phụ nữ tăng lên ở tất cả các quốc gia được nghiên cứu. Vào năm 2020, tuổi thọ ở nam giới và phụ nữ đều giảm ở mọi quốc gia ngoại trừ New Zealand, Đài Loan và Na Uy. Riêng tại Đan Mạch, Iceland và Hàn Quốc, các nhà khoa học chưa tìm thấy bằng chứng về sự thay đổi tuổi thọ.
Trong đó, Nga là nơi có số tuổi thọ giảm cao nhất (-2,33 ở nam và -2,14 ở nữ), tiếp đó là Mỹ (-2,27 ở nam và -1,61 ở nữ) và Bulgaria (-1,96 ở nam và -1,37 ở nữ). Sự suy giảm tuổi thọ tính theo năm ở Anh và xứ Wales là -1,2 ở nam và -0,8 ở nữ. Ở Scotland, tỷ lệ này là -1,24 ở nam và -0,54 ở nữ.
Các nhà nghiên cứu cho biết con số thực sự có thể còn cao hơn vì nghiên cứu của hộ chưa bao gồm các quốc gia từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Minh Hạnh (Theo The Guardian) - Người Đưa Tin