​​​​​​​Dấu hiệu nhận biết thực phẩm bị "tắm" hóa chất độc hại

Thực phẩm được ngâm hóa chất khiến cho chúng trông có vẻ tươi ngon hơn nhưng lại tiềm tàng rất nhiều mối nguy hại. Dưới đây là một số cách để bà nội trợ có thể dễ dàng nhận biết thực phẩm “bẩn”.

Cách phân biệt hải sản tươi và hải sản "tắm" hóa chất

Các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với bạch thuộc và mực đông lạnh cần xem ngày đóng và hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm hết hạn. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.

Đối với bạch tuộc:

Chọn bạch tuộc tươi sống còn bơi được là tốt nhất. Bạch tuộc tươi chất lượng phải còn đủ chân, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn giòn, ngọt và có mùi thơm

Còn bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi bạch tuộc thấy mùi lạ không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí, không còn mùi gì.

Khi chọn mực tránh chọn những con có mùi hôi. Mực còn nguyên con, có đầy đủ râu là tốt nhất. Mực tươi sẽ có mùi đặc trưng hơi tanh, trắng trong, màng bên ngoài còn nguyên, đầu và thân mực dính liền với nhau và túi mực nguyên bên trong. Mắt mực tươi sẽ sáng, toàn bộ râu mực thấy tươi sáng, màng không rách nhiều.

Đối với mực:

Các loại mực được tẩy trắng thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Nếu mực thịt nhão, đầu không dính với thân là mực không tươi, không nên mua, khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà mùi hơi, thịt mềm, nhũn…

Đối với tôm:

Để nhận biết tôm có bơm hóa chất hay không, người tiêu dùng cần chú ý đến các bộ phận sau:

Tôm bơm hóa chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi xuống. Mình tôm bơm hóa chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Ngoài ra, tôm bơm qua hóa chất khi nấu sẽ bị chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Cách nhận biết các loại thịt tươi ngon và thịt 'tẩm' hóa chất

 

Thịt bò:

Thịt bò là thực phẩm giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa thích, song nếu ăn phải thịt bò hóa chất, ôi thiu sẽ đem lại hậu quả khôn lường cho sức khỏe của mỗi thành viên trong gia đình. Do đó việc phân biệt thịt bò sạch và thịt bò bẩn, ôi thiu là vô cùng cần thiết.

Thịt bò bị bơm hóa chất thường nhão, có màu sắc không đều, không tự nhiên. Đặc biệt, cách nhận biết thịt bò bị bơm hóa chất khi bạn ấn tay vào miếng thịt và bỏ ra thì có vết tay hằn trên miếng thịt. Khi thái thịt bò thì không dính dao và quan sát kỹ bạn sẽ thấy nước rỉ ra.

Còn đối với miếng thịt bò ngon, thớ thịt nhỏ, dù ấn mạnh ngón tay vào thịt nhưng khi nhấc ngón tay ra thịt sẽ không để lại vết hằn.

Thịt lợn:

Nếu thấy thịt chủ yếu là nạc mà hầu như không có mỡ, thịt có mầu đỏ sẫm như thịt bò là những loại thịt do người chăn nuôi đã dùng chất tăng trọng chứa nhiều hóa chất corticoid.

Nếu lợn chết đã lâu, thịt lợn sẽ có mùi hôi, lớp bì tím bầm, nước luộc đục, không thơm… Thịt lợn tươi ngon có màng ngoài khô, không bị nhớt.

Thịt lợn bơm nước khi mổ có màu thịt nhạt hơn, thớ cơ bở hơn, để 1-2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường, khi nấu thịt cũng tiết ra nhiều nước hơn.

Thịt ôi, bề ngoài sẽ có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen không bóng. Nếu thịt chết lâu sẽ có màng ngoài nhớt, rỉ dịch nhiều, cắt sâu vào sẽ có máu do gia súc chết trước khi chọc tiết nên máu còn tụ lại trong cơ thể. Nước luộc của thịt đục, có mùi hôi.

Ngoài ra, nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.

Thịt gà:

Đùi và lườn gà là hai vị trí thường được bơm hóa chất vào nhất. Bởi những vị trí đó nhiều thịt, hóa chất sẽ thấm vào thịt không bị thoát ra ngoài. Nếu bạn thấy thịt căng bóng, thớ thịt dày, to thì không nên mua, rất có thể đây là thịt gà bị bơm hóa chất.

Nếu còn nguyên con, hãy cầm dốc ngược con gà lên nếu thấy nó biến dạng nhiều thì đã bị bơm hóa chất.

Nếu thấy gà quá béo thì bạn có thể dùng dao hoặc một vật nhọn chọc thủng lớp da, nếu bị bơm hóa chất thì bạn sẽ thấy nước chảy ra ngoài.

Cách nhận biết các loại rau, củ tươi ngon và rau, củ 'tắm" hóa chất

Giá đỗ:

Đới loại giá có ngậm hóa chất thường có màu trắng tinh, thân tròn lẳn, ít rễ trông khá bắt mắt. Giá ngâm hóa chất có hai hạt mầm đóng chặt với nhau. Loại giá này khi xào sẽ có nước đục, ăn không ngon và dễ gây độc hại.

Rau muống:

Rau muống là loại rau dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, nhiễm chì. Những loại rau muống thân to hơn bình thường, lá màu xanh đen, khi nhặt rau không có nhựa dính thì không nên mua vì có thể chúng được bón quá nhiều các loại phân đạm, hóa chất.

Khi luộc, nếu nước rau luộc còn nóng có màu xanh nhạt, khi để nguội thì thành màu xanh đen, có vẩy đen kết tủa thì rau không an toàn. Hơn nữa, rau bị nhiễm độc chì khi ăn thường có vị chát.

Mướp đắng:

Mướp đắng sạch, an toàn có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti, quả dáng dài. Những quả mướp đắng to, màu xanh đậm, mướt mát, thân phình to, da láng bóng có thể bị nhiễm thuốc kích thích sinh trưởng.

Trên đây là những cách cơ bản để phân biệt thực phẩm tươi ngon và thực phẩm bị "tắm" hóa chất. Chúc các bạn trở thành những người tiêu dùng thông minh.

Bảo Đăng (T/h)