Để con không bị bắt cóc bố mẹ nhất định phải dạy trẻ những kĩ năng này

Gần đây các tin tức về bắt cóc lan truyền chóng mặt khiến bố mẹ vô cùng lo lắng. Vì thế, các bậc cha mẹ nên dạy cho trẻ những kĩ năng phòng vệ và ứng phó tránh bị kẻ xấu lợi dụng, bắt cóc.

Trong cuộc sống hiện đại, trẻ em dễ gặp phải những mối nguy hiểm hơn. Đặc biệt thời gian gần đây, những vụ bắt cóc diễn ra với thủ đoạn tinh vi, khó lường khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng.

Đối tượng gây án có thể là bạn bè, người thân trong gia đình, người hiếm muộn, kẻ buôn người... Khi phát hiện trẻ chỉ có một mình, các đối tượng này thường tìm cách dụ dỗ, tiếp cận trẻ đi theo.

Trước những sự cố đáng tiếc xảy ra gần đây, Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung – Giảng viên kỹ năng sống Trung tâm Đào tạo Kỹ năng sống Ý Tưởng Việt cho biết, không chỉ khi xuất hiện những thông tin liên quan đến việc trẻ bị bắt cóc mà ngay cả trong những lúc yên bình nhất, phụ huynh vẫn nên trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện và ứng phó trước những tình huống bất ngờ, nguy hiểm.

Đây là điều cần thiết để trẻ có thể biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân khi không có người lớn bên cạnh. Theo đó, các mẹ nên dạy con những kỹ năng sau:

Không được đi theo người lạ

Cha mẹ hãy dạy con cách từ chối những món quà của người lạ và tránh xa họ ngay lập tức. Ảnh minh họa

Giải thích cho con biết rằng người lạ là những người con chưa bao giờ gặp mặt. Nói "không" với họ như không nhận quà, không nhận lời đi chơi chung... là những điều mà trẻ phải nhớ. Nên giải thích với trẻ rằng việc nhận quà từ những người lạ mà không có cha mẹ bên cạnh như vậy là rất nguy hiểm và cần tránh xa những người đó.

Khi tiếp xúc với người chưa từng gặp gỡ nên dạy trẻ cách giữ khoảng cách. Tuyệt đối không cho người lạ động chạm vào thân thể hoặc đi theo người lạ ngay cả khi họ nói sẽ giúp trẻ tìm đường về nhà.

Dạy con học thuộc thông tin liên lạc của bố mẹ

Dạy con thuộc ít nhất là 1 số điện thoại của người thân trong gia đình, và dặn dò con không được tiết lộ với người lạ, phòng kẻ xấu có ý đồ. Chỉ đưa thông tin cho "người lạ an toàn” khi thật cần thiết. Ở đây, "người lạ an toàn" có thể định nghĩa là những người phần nào xác định được danh phận như chú công an giao thông, chú bảo vệ toà nhà, nhân viện bán hàng...

Để cẩn thận hơn, khi đi xa hoặc đến nơi đông người, bố mẹ có thể viết thông tin liên hệ vào 1 mảnh giấy, sau đó bỏ vô túi quần, áo của con phòng ngừa lúc bị thất lạc. Và nhớ dặn dò con không tùy tiện đưa thông tin cho bất kỳ ai, chỉ đưa cho những người “an toàn” trong trường hợp cần thiết.

Hét thật to khi người lạ động vào

Cha mẹ hãy dặn dò con khi thấy có người lạ động vào và kéo con đi thì phải hét thật to tìm kiếm sự cầu cứu. Ảnh minh họa

Cha mẹ nên dạy trẻ khi bị 1 người lạ mặt cố tình lôi kéo, cần sẵn sàng giằng co, cắn, đá và tìm cách thu hút sự chú ý của người đi đường bằng cách giãy giụa, hét lớn “cháy nhà”. Vì khi đó, chính kẻ bắt cóc con cũng hoảng sợ và phân tán tư tưởng, người xung quanh đổ dồn ánh mắt vào con. Trẻ có thể vùng chạy thoát.

Trường hợp con bị người lạ ôm, có thể bất ngờ dùng cùi trỏ tay đập vào ức, cằm và hạ bộ của đối phương. Tiếng hét to cũng sẽ giúp con tự tin hơn, cho con dũng cảm để bỏ chạy.

Cùng con xem các video về bắt cóc

Chia sẻ về kỹ năng này, chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình (Trung tâm tư vấn Hoàng Nhân) cho hay, để dự phòng, cha mẹ không nên dọa trẻ em phải thế này phải thế kia mà cần trao đổi với các em về một vài sự kiện bắt cóc, cùng nhau chấp nhận rằng đó là một khả năng có thể đến với mình.

Qua đó để trẻ có ý thức lựa chọn khi đến chỗ vắng, đi với người lạ, hoặc biết kiểm tra những kẻ xuất hiện bất thường nơi cổng trường, đầu ngõ…

Tốt hơn hết là cha mẹ hãy dành thời gian để cùng trẻ xem những video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những bé khác gặp phải khi không ở cùng bố mẹ của mình. Sau đó, cha mẹ có thể khơi gợi và giải đáp những thắc mắc của trẻ khi bé xem những video này để trẻ dần hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong những tình huống tương tự có thể xảy ra với trẻ nếu trẻ gặp phải.

Dạy trẻ kỹ năng xử lý khi bé bị lạc

Bố mẹ hãy cho con học thuộc những thông tin liên lạc như số điện thoại, địa chỉ nhà… Ảnh minh họa

Nếu con còn nhỏ hãy luôn cho bé ngồi trên chiếc xe đẩy trẻ em để bé luôn được bên cạnh bố mẹ. Nếu mẹ đi cùng các bé lớn và chẳng may bé bị lạc thì bố mẹ nên nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của quầy thông báo của các khu mua sắm hay đồn công an… Cha mẹ có thể giúp trẻ nhận diện đâu là đồn công an, quầy thông báo mỗi khi đi ngang qua đó. Hoặc dạy con tìm những bà mẹ có con nhỏ và xin giúp đỡ.

Để tránh con bị kẻ xấu bắt cóc, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cảnh báo, cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất để lộ sự giàu có, khá giả của gia đình. Bởi tội phạm hiện nay cũng rình rập, săn thông tin từ chính các trang mạng xã hội. Đối với những trẻ lớn, luôn dặn con đi chơi cùng nhóm bạn, bởi kẻ bắt cóc thường nhằm vào những trẻ đi một mình.