Sáng 16/11, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có văn bản gửi Ủy ban Bão Quốc tế về việc đề xuất loại bỏ tên bão Linfa, trong danh sách tên được sử dụng cho các cơn bão hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và vùng biển Đông Nam Á.
Nguyên nhân của đề xuất này là bão Linfa đổ bộ vào miền Trung nước ta ngày 11/10 vừa qua đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đây là cơn bão số 6 ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong năm nay. Tên bão Linfa do Macau đặt.
"Ảnh hưởng của mưa lớn trong và sau bão gây nên thảm họa về lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tác động mạnh đến toàn bộ khu vực miền Trung", văn bản của Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu rõ.
Để chia sẻ với những mất mát và thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân vùng lũ bão trong thiên tai do bão Linfa gây ra, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam đề nghị Ủy ban Bão quốc tế xem xét loại bỏ tên bão Linfa trong danh sách được sử dụng để đặt tên bão.
Theo quy định được Ủy ban Bão phê chuẩn, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia là thành viên Ủy ban Bão sẽ được đề xuất tên bão và được quyền đề nghị loại bỏ tên bão trong danh sách nếu bão có tên đó gây hậu quả tàn phá nghiêm trọng hoặc vì một lý do nào đó khác.
Do đó, việc đề xuất loại bỏ tên bão Linfa sẽ được xem xét và thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2021 sắp tới. Nếu được thông qua, thành viên Macau sẽ lựa chọn 3 tên bão mới và đề cử vào khóa họp thường niên tiếp theo vào năm 2022 để Ủy ban Bão lựa chọn, sau đó phê duyệt một tên bão mới.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam đề xuất loại bỏ tên bão.
Trước đó, năm 2006, khi bão Saomai (Sao Mai) gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung Quốc, cái tên này được đề xuất khai tử, thay bằng tên bão Sontinh (Sơn Tinh).
Cùng năm này, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão mang tên Chanchu. Sau đó, tên bão này cũng bị loại khỏi danh sách.
Ngày 9/10, một vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông được cảnh báo khả năng mạnh thành bão, gây ra đợt mưa rất lớn cho các tỉnh miền Trung. Ngày 11/10, bão số 6 hình thành và đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dù không đổ bộ với cường độ mạnh, hoàn lưu bão đã gây ra một đợt mưa lớn kéo dài cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định.
Sự kết hợp của các hình thái nối tiếp sau đó đã khiến mưa tiếp diễn cực đoan, trọng tâm tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, gây ra lũ lụt lịch sử và 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3, tiểu khu 67, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337.