Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020

Qua những vụ án được phát hiện, khởi tố năm 2020, có thể nói công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Nữ đại gia khiến nhiều quan chức “ngã ngựa”

Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp (đại diện công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Diệp đã có nhiều hành vi gian dối trong việc sử dụng tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng, chiếm đoạt số tiền trên 352 tỷ đồng.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp (ảnh cơ quan công an)

Liên quan đến vụ án, có 9 người gồm: Cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài; Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM... bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ông Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch UBND TP.HCM) cũng bị xác định có sai phạm, song chưa đến mức xử lý hình sự.

Cựu lãnh đạo BV Bạch Mai chiếm đoạt tiền của người bệnh

Ngày 25/9/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) đã quyết định khởi tố bổ sung vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Quốc Anh (61 tuổi, quê Nam Định), nguyên Giám đốc BV Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền (60 tuổi, quê Nam Định), nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai; và Trịnh Thị Thuận (46 tuổi, quê Thanh Hóa), Kế toán trưởng - Trưởng phòng Tài chính kế toán BV Bạch Mai.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 2).

Các bị can trong vụ án

Theo điều tra, từ 2009 - 2019, với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Bạch Mai, ông Anh đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án xã hội hóa, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của người bệnh và BHYT. Ông Anh và thuộc cấp đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của bộ Y tế, của Chính phủ và pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ rô-bốt giữa BV Bạch Mai và công ty cổ phần công nghệ y tế BMS.

Trước đó, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Đức Tuấn- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền- Phó giám đốc công ty BMS và Trần Lê Hoàng, thẩm định viên của công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội, cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gây thiệt hại cho Nhà nước, Phó Chủ tịch TP.HCM bị khởi tố

Ngày 11/7/2020, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Trọng Tuấn- Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM cùng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Tuyến có liên quan đến những vi phạm tại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM (dự án nhà ở Phước Long B) do tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH-MTV (Sagri) làm chủ đầu tư.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 3).

Ông Trần Vĩnh Tuyến 

Với cương vị Phó Chủ tịch, ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án nhà ở Phước Long B cho công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2). Mức giá này thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng lập kỷ lục hầu tòa

Ngày 14/12/2020, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án tiêu cực xảy ra tại dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Trong vụ án này, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Bộ trưởng bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng bộ GTVT) và 5 đồng phạm khác cùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí với mức án từ 10 - 20 năm tù. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên Phó Giám đốc tổng công ty Thái Sơn, bộ Quốc phòng) và 12 người khác bị cáo buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 4).

Bị cáo Đinh La Thăng trong một phiên tòa

Trước đó, VKSND Tối cao đã có cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí) cùng 10 bị can khác trong vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB); Cáo trạng xác định mặc dù liên danh có sự tham gia của công ty do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch không đủ năng lực thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ song ông Thăng vẫn chỉ đạo chỉ định cho nhà thầu này, gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng.

Ngoài 2 vụ án này, ông Đinh La Thăng đã nhận 30 năm tù trong 2 vụ án khác.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị khởi tố trong vụ "đất vàng" Sabeco

Ngày 10/7/2020, cơ quan CSĐT bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng bộ Công Thương để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu "đất vàng" số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) xảy ra tại tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án này đã bị hoãn 2 lần.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 5).

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Chiếm đoạt tài liệu vụ Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung nhận 5 năm tù

Sáng 11/12/2020, TAND TP.Hà Nội tiến hành xử kín ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm trong vụ án đánh cắp tài liệu mật của vụ án công ty Nhật Cường.

Bị xác định là chủ mưu trong vụ án, ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bị phạt 5 năm tù giam về tội Chiếm đoạt tài sản bí mật Nhà nước. Ba đồng phạm giúp sức là Phạm Quang Dũng (SN 1983, nguyên cán bộ C03, bộ Công an) bị phạt 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hoàng Trung (SN 1983, nguyên chuyên viên phòng Thư ký biên tập) bị phạt 24 tháng tù; Nguyễn Anh Ngọc (SN 1974, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập) bị phạt 18 tháng tù.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 6).

Ông Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù giam

Theo cáo trạng, để nắm được thông tin, tài liệu điều tra của vụ án Nhật Cường, ông Nguyễn Đức Chung liên hệ và được Phạm Quang Dũng đồng ý cung cấp thông tin, tài liệu về vụ án.

Trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, Dũng đã nhiều lần chiếm đoạt 9 tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ Mật liên quan đến vụ án công ty Nhật Cường, chuyển cho ông Chung 6 tài liệu Mật. Trung và Ngọc bị cáo buộc tham gia 1 lần in, chỉnh sửa 3 tài liệu Mật cho ông Chung.

Khởi tố 32 bị can trong vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Cơ quan điều tra bộ Công an vừa khởi tố thêm 13 bị can về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuyến đường có tổng chiều dài 139,2km với kinh phí được phê duyệt là hơn 34.500 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn.

Cơ quan điều tra xác định khi thực hiện dự án, VEC và nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cùng đơn vị liên quan đã không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 7).

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

Theo kết quả giám định, 7/7 gói thầu giai đoạn 1 từ các lớp nền, móng và mặt đường đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.

Bộ Công an cũng xác định trong hoạt động giám sát, VEC ký hợp đồng với nhiều đơn vị ở nước ngoài để làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế, việc giám sát thi công tại hiện trường chỉ có ít kỹ sư nước ngoài, chủ yếu là kỹ sư Việt Nam với kinh nghiệm và năng lực yếu kém.

Ngoài 13 người vừa bị khởi tố, cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can ở VEC, BQL dự án và các nhà thầu thi công về cùng tội danh.

Nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19

Ngày 12/12/2020, TAND TP.Hà Nội vừa tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng phạm với Cảm, các bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh; Hoàng Kim Thư; Lê Xuân Tuấn; Nguyễn Thị Kim Dung; Nguyễn Ngọc Quỳnh; Đào Thế Vinh; Nguyễn Trần Duy; Nguyễn Ngọc Nhất; Nguyễn Thanh Tuyền cũng đã phải nhận những hình phạt thích đáng.

Theo cơ quan công tố, từ đầu năm 2020, trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp, việc mua sắm được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.

An ninh - Hình sự - Điểm lại những đại án tham nhũng năm 2020 (Hình 8).

Các bị cáo trong vụ án

Vì động cơ vụ lợi, ông Cảm trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo khác, ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.

Ông Cảm trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành), tiếp đó Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu.

Ông Cảm còn chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để chỉ định công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam trúng thầu trái quy định, gây hậu quả thiệt hại ngân sách Nhà nước 5,4 tỷ đồng.