Cơn bão số 3 có thể là cơn bão mạnh nhất đổ bộ miền Bắc trong khoảng 10 năm qua, khi các cơ quan khí tượng trong nước và quốc tế đều nhận định bão có thể mạnh cấp 15 trở lên, một số đài khí tượng còn cho rằng YAGI sẽ đạt mức siêu bão với mức tàn phá khủng khiếp.
Trước khi vào Biển Đông, cơn bão này đã càn quét khu vực miền Bắc và miền Trung của Philippines với cường độ cấp 9, gây mưa lớn và gió giật mạnh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 5/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 116 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 580 km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183 km/giờ), giật cấp 17, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/giờ.
Dự báo, đến 4h ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 16, giật cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đến 16h ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ và suy yếu dần trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, Sức gió mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17.
Lý giải về nguyên nhân bão Yagi liên tục tăng cấp trong 24 giờ qua, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho rằng hiện nay nhiệt độ ở Bắc Biển Đông đang rất cao (31 độ C), duy trì nhiều ngày và từ lâu chưa có bão trên biển Đông nên năng lượng biển cũng như độ ẩm đều thuận lợi để bão phát triển.
Bên cạnh đó, các điều kiện về hoàn lưu khí quyển, khí áp, dòng dẫn cũng đều rất thuận lợi để bão tăng cấp và sẽ còn tăng cấp trong thời gian tới.
Cũng theo ông Lâm, kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay là bão đi vào vịnh Bắc bộ rồi đổ bộ miền Bắc nước ta với xác suất khoảng 70-80%. Một kịch bản khác, bão vào bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc và đi lên phía Trung Quốc với xác suất khoảng 20-30%.
“Trong trường hợp cường độ bão mạnh lên cấp 16, các phương án chỉ đạo sẽ phải thay đổi, vì khi đó cảnh báo rủi ro thiên tai sẽ lên cấp 5 (rủi ro thiên tai ở mức thảm họa)", Tiền Phong dẫn lời ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định trong cuộc họp về ứng phó với cơn bão số 3 ( YAGI)
Trong khi đó, đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn - Bộ Quốc phòng, cho biết, hiện các Quân khu 1 đến Quân Khu 5 đã sẵn sàng lực lượng, với hơn 45.000 chiến sĩ, và hơn 4.000 tàu thuyền, máy bay ứng phó với cơn bão số 3. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định cho biết, dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9.
Chiều và đêm 5/9, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào, dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm. Khu vực Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, dông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Khu vực Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 1.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, từ 3 giờ 50 phút đến 8 giờ 50 phút ngày 5/9, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu, Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường (tỉnh Lai Châu); Tủa Chùa, thị xã Mường Lay, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Mai Sơn (tỉnh Sơn La); Bát Xát, thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Sapa (tỉnh Lào Cai).