F0 đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm sau bao lâu?

Những người từng mắc Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên nhưng chính xác miễn dịch kéo dài bao lâu thì đến nay chưa có câu trả lời rõ ràng.

f0-da-khoi-benh-co-nguy-co-tai-nhiem-sau-bao-lau1-1631777483.jpg

 

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp bạn chống lại bệnh tật. Cơ thể chúng ta thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh hoặc đã được tiêm vắc-xin. Các kháng thể có thể bảo vệ bạn khỏi bị bệnh trong một thời gian sau đó.

Do đó những người từng mắc Covid-19 sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, miễn dịch với SARS-CoV-2 không bền vững và miễn dịch kéo dài bao lâu thì đến nay chưa có câu trả lời chính xác.

Theo những phát hiện trước đây, khả năng miễn dịch tự nhiên ở mức cao nhất trong 3-5 tháng sau khi khỏi bệnh rồi bắt đầu giảm xuống. Số lượng kháng thể ít dần và mức độ miễn dịch thấp gây ra rủi ro tái nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cũng cho biết kết quả của nghiên cứu Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN tại Anh cho thấy người từng mắc Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Một số nghiên cứu khác còn cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

"Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh", bác sĩ Cấp thông tin.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sau khi mắc Covid-19 khỏi bệnh, mọi người sẽ có miễn dịch để bảo vệ nhưng điều này khác nhau ở mỗi người và nó phụ thuộc vào việc bạn mắc bệnh nhẹ hay nặng. Nhiều nghiên cứu hiện nay thậm chí chỉ rằng nếu bạn mắc bệnh rất nhẹ hoặc không có triệu chứng, thì ở nhiều người lượng kháng thể hình thành rất ít.

"Vì vậy, đây là lý do tại sao chúng tôi vẫn khuyến cáo ngay cả khi bạn đã mắc Covid-19, bạn vẫn nên tiêm vắc-xin vì vắc xin sau đó đóng vai trò như một chất tăng cường hệ thống miễn dịch", TS Soumya Swaminathan nói.

Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm sau 6 tháng nên cần tiêm vắc-xin để tăng cường khả năng chống lại Covid-19.

Các chuyên gia y tế nhận định phục hồi sau nhiễm Covid-19 không chỉ tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể mà còn làm cho vắc-xin hoạt động tốt hơn.

Một số nghiên cứu nhỏ đã ghi nhận những người khỏi bệnh được tiêm một liều vắc-xin sẽ có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch cao hơn những người chưa được chủng ngừa hoặc đã được tiêm mà không có tiền sử bệnh. Điều này do cơ thể có thời gian quay vòng nhanh hơn để nhận ra protein gai và tạo ra các kháng thể bảo vệ mạnh mẽ hơn.

"Hiện tại, chúng tôi tin rằng tất cả các loại vắc-xin trong danh sách sử dụng khẩn cấp từ WHO đều ngăn ngừa được bệnh nặng và nhập viện do tất cả các biến thể hiện có của virus SARS-CoV-2", chuyên gia WHO cho biết.

Bên cạnh đó các chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh tay và tránh những nơi đông đúc cũng như các biện pháp giãn cách xã hội… là cần thiết nhằm giảm tỉ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.

Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, VietNamNet) - Người Đưa Tin