F1 chuyển thành F0, 2.000 người trong hẻm phải lấy mẫu xét nghiệm

Ca dương tính mới ghi nhận là nhân viên làm việc tại Công ty Thiên Tú, số 1 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình và là F1 của bệnh nhân Covid-19 đã được cách ly trước đó.

Sáng 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin về ca dương tính với nCoV, cư ngụ ở hẻm 436 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3.

HCDC cho biết, ngay sau khi nhận thông tin, Trung tâm Y tế quận 3 cùng với các lực lượng chức năng của địa phương đã xuống hiện trường, phong tỏa cả 2 ngả đường ra vào của hẻm 436 Cách Mạng Tháng Tám. Lực lượng chức năng cũng tiến hành điều tra truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc.

Trong hẻm có khoảng 2.000 người dân sinh sống. Trong đó, có 9 người là F1 sống cùng khu trọ với bệnh nhân, 22 trường hợp sống tại các nhà liền kề sẽ được lấy mẫu đơn xét nghiệm và những người dân sống trong cùng con hẻm sẽ được lấy mẫu gộp xét nghiệm.

2106011622-3-1622603473.jpg
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong hẻm 436 Cách Mạng Tháng Tám. Ảnh: HCDC

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, một số ổ dịch là cơ sở lao động, có nhiều ca bệnh phát sinh từ người trực tiếp sinh hoạt trong Hội thánh như Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Thiên T , Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, Tân Phú 9 ca, mầm non Kid Town ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 có 6 ca…

Cũng theo Giám đốc sở Y tế TP.HCM, Hội thánh có 55 người trực tiếp sinh hoạt thì đến nay đã có 40 người mắc COVID-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè. Ngoài sự lây nhiễm từ sinh hoạt tôn giáo thì nguy cơ lây nhiễm tại những nơi làm việc khá cao. Đáng kể là sự lây nhiễm trong các tòa nhà văn phòng, thường là môi trường kín, sử dụng máy lạnh trung tâm.

Thành phố đã huy động lực lượng toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Những ngày qua, trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm mỗi ngày (10.000 mẫu gộp/ngày).

Trong tình hình dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng thì việc tăng cường mở rộng xét nghiệm tầm soát rất quan trọng. Hiện nay Bộ Y tế đã cho phép test nhanh nhưng không thể chủ quan vì mức độ nhạy của việc xét nghiệm này, ngành y tế phải có sự đánh giá lại để kiểm soát chặt chẽ hơn.

"Trường hợp cần thiết chúng ta phải làm PCR lại, như ở các khu công nghiệp chẳng hạn. Các trưởng khu, các chủ doanh nghiệp lo ngại sẽ làm trước nhưng chúng tôi sẽ mở rộng tầm soát ở các khu công nghiệp này, tránh trường hợp để sót ca bệnh, sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất", Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho hay.

Hải Đăng (T/h)