Khi một người mắc COVID-19, các triệu chứng bệnh có thể tiến triển với khả năng chuyển từ thể bệnh nhẹ hoặc thể bệnh trung bình sang thể bệnh nặng, thường xảy ra khoảng 1 tuần sau khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện lần đầu tiên, cũng có thể sớm hoặc muộn hơn.
Sau khi phân tích sự tiến triển của những người mắc COVID-19, các nhà khoa học ghi nhận khung thời gian từ khi bắt đầu có triệu chứng thông thường tới khi có triệu chứng khó thở khoảng 5 – 8 ngày.
Đối với các trường hơp bị bệnh nặng, thời gian từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cho đến khi nhập viện để được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit ) khoảng 9,5 - 12 ngày.
Giai đoạn nguy hiểm nhất khi mắc COVID-19
Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ người bệnh COVID-19 ở Hà Nội cho biết, một số bệnh nhân hết triệu chứng (hết sốt, người khỏe lên...), thậm chí âm tính sau 4-6 ngày nhưng đến ngày 8-10 thì đột ngột chuyển nặng, không khó thở nhưng SpO2 giảm chỉ còn 60-70% và có người đã không qua khỏi, đa số đều phải nhập viện cấp cứu.
Giới chuyên gia nhận định, với nhiều bệnh nhân COVID-19, tuần thứ hai là giai đoạn nguy hiểm nhất. Đặc biệt, ở những bệnh nhân bị béo phì hay có bệnh nền, bệnh nan y như tiểu đường, suy gan thận… và người trên 50 tuổi, bệnh rất dễ chuyển biến xấu.
Nguyên nhân là vì cơ thể người bệnh lúc này đã có phản ứng nghiêm trọng nhất với SARS-CoV-2, các triệu chứng xuất hiện đột ngột ngay cả khi trước đó tình trạng của họ khá ổn định.
Ở giai đoạn đầu khi mắc COVID-19, người bệnh cảm thấy ho, sốt, rát họng nhưng đây không phải thời kỳ nguy hiểm nhất vì lúc này phổi vẫn có thể giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng chết, kháng cự đường thở.
Giai đoan nguy hiểm thực sự có thể xảy ra vào ngày thứ 5-7 hoặc thậm chí là ngày thứ 10, kể cả khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Bệnh có thể diễn biến nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp. Phần phổi lành sẽ phải bù cho các phần đã bị virus tấn công, gây tổn thương.
Ở một số người, tình trạng thiếu oxy đã khá nghiêm trọng, diễn biến rất nhanh khi bệnh nhân xuất hiện khó thở hay còn gọi là “thiếu oxy thầm lặng” hoặc "happy hypoxia". Tình trạng này được chẩn đoán khi người bệnh không cảm thấy khó thở nhưng SpO2 lại giảm dưới 94%. SpO2 ở người bình thường là 94-100%, trong khi ở bệnh nhân COVID-19 bị viêm phổi, mức oxy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong.
Theo Sức Khỏe & Đời sống, kết quả thống kê cho thấy có tới 20% các trường hợp người bệnh nhập viện không cảm thấy khó thở nhưng lại có biểu hiện bất thường trên CT và cần bổ sung oxy.
Như đã nói ở trên, trong giai đoạn đầu của bệnh, phổi có thể còn giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng chết và kháng cự đường thở nên trung tâm hô hấp không cảm thấy bất thường về việc thở. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp khiến bệnh nhân ngột thở nhanh, sâu chính là dấu hiệu của suy hô hấp tiến triển trong COVID-19.
Bình thường, phần phổi lành sẽ có thể bù cho các phần phổi bị tổn thương, nên với người hơi thiếu oxy đã khó thở thì khoảng bù trừ này còn lớn hơn. Thế nhưng, ở những bệnh nhân gặp phải tình trạng thiếu oxy thầm lặng, khoảng bù rất nhỏ nên sẽ tiến triển nặng nhanh chóng ngay sau khi xuất hiện khó thở.
Thiếu oxy ở bệnh nhân COVID-19 phản ánh sự tổn thương phổi đã vượt qua mức bù trừ của cơ thể. Người bệnh lúc này cần được hỗ trợ bởi các biện pháp hồi sức. Việc đo chỉ số SpO2 2 lần/ngày được xem là cách giúp phát hiện những bất thường ở người mắc COVID-19. Nếu bệnh nhân đột ngột thở nhanh và sâu, họ cần được chuyển viện khẩn cấp.
Quan điểm ngày thứ 5-10 là giai đoạn nguy hiểm nhất với người mắc COVID-19 cũng không nhất quán. Dù vậy, các chuyên gia đều nhận thấy khía cạnh trở nặng đột ngột của bệnh.
“Giai đoạn nguy hiểm xuất hiện vào tuần thứ hai khi mắc Covid-19 đã khá rõ ràng, nhưng vì sao nó xảy ra chúng tôi vẫn chưa chắc chắn”, Ebbing Lautenbach, trưởng Khoa các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Perelman, Đại học Pennsylvania cho hay.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân thiếu oxy, cần được cấp cứu và chuyển viện kịp thời
- Khó thở: Nhịp thở tăng. SpO2 < 95% (nếu có máy đo).
- Mạch nhanh 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
- Huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
- Đau tức ngực thường xuyên.
- Thay đổi ý thức.
- Tím môi, đầu móng tay, móng chân hoặc da xanh.
- Không thể uống, bú, nôn.
- Sốt cao, đỏ mắt, môi, xuất huyết có thể gặp ở trẻ em.
- Cảm thấy lo lắng, bất ổn thường xuyên.
Theo các chuyên gia y tế, một số người có nồng độ oxy máu thấp nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà mỗi ngày cần chủ động đo SpO2 1-2 lần theo hướng dẫn để phát hiện nguy cơ này.