Kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Đó là một trong những kiến nghị của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại kết luận xác minh nội dung tố cáo đối với ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Internet

Không tổ chức hội nghị công chức, viên chức

Theo nội dung đơn tố cáo, ông Sửu có dấu hiệu gian dối lý lịch, kê khai tài sản. Cụ thể là gian dối trong kê khai lý lịch để được kết nạp Đảng. Tuy nhiên, Công văn số 1507-CV/ĐUK ngày 10/2/2020 của Đảng ủy Khối Các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội đã xác định nội dung tố cáo này là sai.

Mặt khác, ông Sửu mua nhà có giá trị lớn ở Royal City, nhưng chỉ khai 1 tỷ đồng. Qua xác minh, việc ông Lê Văn Sửu mua căn hộ chung cư số R12127 nhà R1B-72A Nguyễn Trãi, Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội là có thật, đã được ông Sửu kê khai tài sản đúng với giá trị ghi trên Hợp đồng ngày 27/10/2016 được lập tại Phòng Công chứng số 1 thành phố Hà Nội.

Nội dung phản ánh ông Sửu kê khai một tỷ đồng chẵn là đúng với bản kê khai nhưng không có cơ sở kết luận hành vi vi phạm.

Đối với nội dung tố cáo Trường không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức các năm 2014, 2015 và 2016 được Thanh tra Bộ xác minh là tố cáo đúng.

Việc không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức đã vi phạm quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP. Trách nhiệm trước hết thuộc về cá nhân ông Lê Văn Sửu với tư cách là người đứng đầu đơn vị (được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng phụ trách từ tháng 12/2012, Hiệu trưởng từ tháng 4/2013). Đồng thời có phần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ quan đã không có ý kiến với thủ trưởng đơn vị về việc tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức hằng năm, để xảy ra vi phạm kéo dài.

“Với vai trò là Hiệu trưởng, ông Lê Văn Sửu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu đơn vị theo khoản 4, Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 - tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở”, kết luận chỉ rõ.

Thanh tra Bộ kiến nghị cá nhân ông Lê Văn Sửu cùng tập thể lãnh đạo Trường, Chủ tịch Công đoàn  nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Làm mất điểm marketing của sinh viên

Đối với nội dung tố cáo năm 2014-2015, Khoa Đồ họa bị mất điểm môn marketing, khiến sinh viên không thể tốt nghiệp, Hiệu trưởng chỉ đạo Phó Hiệu trưởng phụ trách Phòng Đào tạo và Trưởng khoa Đồ họa ép sinh viên đồng ý không thể hiện môn này trong bảng điểm, dẫn đến làm thay đổi kết quả học tập của sinh viên.

Thanh tra Bộ cho rằng, nguyên nhân chính của việc mất điểm của sinh viên là do công tác quản lý của Khoa Đồ họa. Ban Giám hiệu, Khoa Đồ họa đã thống nhất với sinh viên về cách ghi trong bảng điểm, đến thời điểm xác minh chưa có sinh viên nào khiếu nại.

“Tuy nhiên, việc làm mất điểm marketing của sinh viên K6 Khoa Đồ họa là đúng; việc không ghi điểm trong bảng điểm của học sinh tốt nghiệp là không đúng theo quy định của Quy chế Đào tạo” - kết luận nêu.

Đồng thời kiến nghị, tập thể lãnh đạo trường cần tổ chức rà soát, chỉ đạo Khoa Đồ họa kiểm điểm rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự cố như trên ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên.

Với nội dung tố cáo "lợi dụng chủ trương của Nhà nước về đào tạo tài năng, ông Sửu tổ chức tuyển sinh nhiều năm và đào tạo khi chưa có giáo trình, giáo án, tài liệu tham khảo; học sinh được chọn tài năng vẫn học chung với học sinh bình thường khác, chỉ sớm hơn 30 phút", kết luận xác minh cho rằng: Việc tuyển sinh đào tạo tài năng của trường là thực hiện nhiệm vụ do Bộ VHTTDL giao từ cuối năm 2017. Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo được thực hiện theo lộ trình và đang được Bộ VHTTDL thẩm định. Việc học sinh tài năng vẫn học chung với học sinh bình thường khác, chỉ sớm hơn 30 phút do trường còn thiếu phòng học nên không thể có lớp học riêng cho các lớp đào tạo tài năng.

Về việc này, tập thể lãnh đạo trường cần bàn bạc công khai, tìm các giải pháp khắc phục để thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước và chỉ đạo của Bộ VHTTDL và việc đào tạo tài năng cho ngành Văn hóa.

Trục lợi thanh toán tiền vượt giờ đến hàng trăm tiết

Nội dung tố cáo ông Sửu thường xuyên đi công tác, đi họp nhưng vẫn trục lợi thanh toán tiền vượt giờ đến hàng trăm tiết: Năm học 2016-2017, số tiết vượt giờ thực tế của ông Lê Văn Sửu là 67,5 tiết. Phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế đã tính số giờ giảng dạy và thanh toán tiền vượt giờ 175,5 tiết, vượt so với thực tế 108 tiết. Ông Lê Văn Sửu đã nhận số tiền vượt giờ. Như vậy, nội dung tố cáo đúng.

Trong thời gian ông Sửu làm Viện trưởng, làm thất thoát nhiều tài liệu quý của Viện, đặc biệt là những tài liệu viết tay. Nội dung này, theo kết luận xác minh của Thanh tra Bộ, từ năm 1987 đến 1997, Viện Mỹ thuật cho một số cá nhân mượn tài liệu viết tay, Viện có mở sổ theo dõi. Như vậy, nội dung tố cáo không có cơ sở.

Tuy nhiên, đến thời điểm xác minh, nhiều tài liệu vẫn chưa được thu hồi do người mượn đã nghỉ hưu, chuyển công tác, có người đã mất. Trường cần có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý tài liệu tại Viện Mỹ thuật. Đồng thời, cần có biện pháp kịp thời, quyết liệt để thu hồi những tài liệu hiện còn cho các cá nhân mượn.

Thanh tra Bộ kiến nghị tập thể Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với trách nhiệm tập thể và cá nhân về các nội dung: Khoa Đồ họa làm mất điểm môn maketing, Viện Mỹ thuật trong công tác quản lý tài liệu và việc không tổ chức Hội nghị Công chức, viên chức năm 2014, 2015, 2016; tập thể lãnh đạo trường họp kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của ông Lê Văn Sửu.

Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam hoàn trả số tiền vượt giờ 108 tiết năm học 2015-2016 đã nhận về ngân sách nhà trường. Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.