Hiện, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp Bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng.
Theo BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH đang thực hiện chi trả tiền lương hưu thông qua 1 trong 2 hình thức. Thứ nhất, trả lương hưu bằng tiền mặt cho NLĐ hoặc người được ủy quyền. Lương hưu tiền mặt được trả tại 2 địa điểm là cơ quan BHXH hay hệ thống bưu điện ký hợp đồng với cơ quan BHXH để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý người hưởng. Tùy theo địa điểm đăng ký nhận lương hưu, người lao động (NLĐ) hay người được ủy quyền đến trực tiếp cơ quan BHXH hoặc bưu điện để lĩnh lương hưu.
Thứ hai, lương hưu được trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ mở tại các ngân hàng. Với cách thức chi trả này, cơ quan BHXH chỉ chấp nhận tài khoản ngân hàng chính chủ của người được hưởng lương hưu. Hàng tháng, lương hưu sẽ được chuyển thẳng đến tài khoản mà NLĐ đã đăng ký.
Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, BHXH các tỉnh, thành đã vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng thương mại quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp mạng lưới ATM tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt nơi tập trung đông dân cư, khu vực nông thôn.
Ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai, tại kỳ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 8/2022, cán bộ BHXH tỉnh Đồng Nai trực tiếp đến các điểm chi trả hướng dẫn người dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa thực hiện mở tài khoản ngân hàng để chuyển hình thức nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân.
Anh Đặng V. T. (Khu phố 1, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là công nhân, hàng tháng anh phải bố trí thời gian đến Trung tâm xúc tiến du lịch Đồng Nai để nhận lương hưu cho bố, mẹ. Anh T. chia sẻ: Được biết, thông tin này tôi rất mừng và thấy tiện lợi, tôi đã đăng ký mở tài khoản ngân hàng ngay khi được cán bộ BHXH tuyên truyền để từ tháng tới đây tiền lương hưu được chuyển thẳng vào tài khoản của bố, mẹ tôi.
Bà Nguyễn Thị T. (Khu phố 6, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), là cán bộ hưu trí, 75 tuổi, bà phấn khởi cho biết: trong kỳ nhận lương này bà đi lại khó khăn hơn vì bị đau khớp chân, nếu được chuyển để nhận lương hưu qua tài khoản thì tốt quá. Như vậy, hàng tháng tôi không phải gọi xe hoặc chờ con sắp xếp công việc để đưa đi nhận lương hưu bằng tiền mặt và cũng không phải chờ đợi như thế này.
Trong khi đó, bà Trần Thị Xuyên, cán bộ hưu trí ở Tp.Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, đã sử dụng dịch vụ chi trả lương hưu qua thẻ ATM gần một năm nay và rất hài lòng. Tiện ích lớn nhất là mỗi lần có việc, bà không phải lo lắng chuyện phải đến nhận lương hưu định kỳ tại bưu điện. Bà Xuyên chia sẻ, lúc đầu việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt với những người cao tuổi rất khó. Nhưng khi được nhân viên bưu điện tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả lương hưu qua thẻ ATM, nhất là phòng tránh dịch Covid-19, lại thấy rất hữu ích.
"Thời điểm đó tôi không phải lo đi lĩnh lương đúng hẹn, không phải xếp hàng chờ đợi, nhất là không phải sợ thừa, thiếu tiền và không cần phải ủy quyền cho người thân đi lấy hộ mỗi khi có công việc gì đó", bà Xuyên nói.
Thực tế cho thấy, việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều tiện ích cho người hưởng như: tiết kiệm được thời gian, công sức, tránh được rủi ro tiền giả và đặc biệt là bảo đảm an toàn cá nhân.
Ông Huỳnh Anh Tú, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân là biện pháp đảm bảo an toàn cho người thụ hưởng. Theo đó, người hưởng không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả.
Đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe thì phương thức chi trả không dùng tiền mặt góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động; Người lao động sẽ nhận được các chế độ đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, kịp thời, an toàn, đúng thời gian quy định. Với cơ quan chi trả, việc tổ chức thực hiện phương thức này bảo đảm mục tiêu an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và lưu trữ, tránh được sai sót, giảm bớt áp lực thời gian trong tổ chức chi trả.
Thời gian qua, tại các kỳ chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, cán bộ BHXH nhiều địa phương đã trực tiếp đến các điểm chi trả hướng dẫn người dân trên địa bàn thực hiện mở tài khoản ngân hàng để chuyển hình thức nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện BHXH các tỉnh đã phối hợp với hệ thống bưu điện chi trả cho khoảng 30,2% (trong gần 3,3 triệu) người hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân.
Tuy nhiên, lãnh đạo BHXH nhiều địa phương phản ánh, số lượng người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra bởi nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Đa số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH tuổi đã cao, khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, đã quen với việc sử dụng tiền mặt. Hơn nữa tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người hưởng, nhất là người cao tuổi, còn khá phổ biến trong khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi…
Để thu hút đối tượng nhận chi trả các chế độ BHXH, lương hưu qua tài khoản, lãnh đạo BHXH nhiều địa phương đề xuất ngoài việc tăng cường đầu tư, mở rộng hệ thống máy ATM, nâng cao chất lượng phục vụ, các ngân hàng cần có cơ chế ưu đãi cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhận tiền qua tài khoản cá nhân như: giảm hoặc miễn phí khi rút tiền mặt hoặc thực hiện các giao dịch khác trên thẻ ATM...