Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, từ tối ngày 18 đến ngày 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa. Cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Mưa to khiến lũ trên nhiều sông ở Trung Bộ đang tăng mạnh, vượt mức báo động. Mực nước sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 3,05m, trên báo động 3: 0,35m; dự báo đạt đỉnh ở mức 3,2m, trên báo động 3: 0,5m.
Lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã đạt đỉnh ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Riêng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), sông Bồ (Thừa Thiên- Huế), Vu Gia (Quảng Nam) ở mức báo động 3.
Hiện có 69 hồ thủy điện khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên điều tiết qua tràn. Do mưa lớn kéo dài, đến nay có 1.950/2.590 hồ tại các tỉnh từ Thanh Hóa - Quảng Nam và Kon Tum, Gia Lai đã đầy nước.
Tính đến 18h ngày 18/10, toàn tỉnh Quảng Bình có 6 bản của 4 xã ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa vẫn đang bị cô lập, chia cắt; có 30 xã với 2.232 nhà bị ngập. Mưa lũ cũng làm 17 điểm trên các quốc lộ và 10 điểm tại các tỉnh lộ sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc.
Hai người chết là em Ng.P.Q (SN 2007, ngụ thị xã Ba Đồn) đi đánh cá trên sông Gianh bị lũ cuốn và ông H.V.N. (SN 1964, ngụ huyện Tuyên Hóa).
Hai nạn nhân vẫn còn mất tích đều ở huyện Quảng Ninh là anh Hồ Văn Sửu (SN 1997, bị nước cuốn khi đang đi rừng) và ông Nguyễn Văn Đường (SN 1970, mất tích khi chèo thuyền ra kiểm tra hồ tôm và thuyền lật).
Mưa lũ cũng làm 17 điểm trên các quốc lộ và 10 điểm tại các tỉnh lộ sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị ách tắc.
Tại tỉnh Quảng Trị có 15 xã bị ngập từ 0,5-2m. Trong đó, huyện Đakrông 10 xã, huyện Hải Lăng 3 xã, Vĩnh Linh 2 xã. Một người bị lũ cuốn mất tích; hơn 1.000 ngôi nhà ở TP.Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Đakrông bị ngập.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 54 xã ngập lụt, trong đó 6 xã ven sông Bồ, sông Ô Lâu, huyện Quảng Điền có 3 xã; huyện Phong Điền 3 xã.
Một người chết là bà V.T.T (64 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà) đã tìm được thi thể trên sông Bồ. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm chồng của nạn nhân này. Trước đó, cặp vợ chồng này chèo ghe ra sông Bồ bủa lưới đánh cá và ghe lật.
Ở Hà Tĩnh, mưa lớn nhiều ngày cộng với việc các hồ đập, thủy điện xả tràn để đón lũ đã gây ngập lụt cục bộ, sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt tại nhiều huyện, thị xã. Vùng núi sát tuyến đường Thạch Khê - Vũng Áng sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc hoàn toàn.
Một người dân của thị xã Kỳ Anh mất tích khi đang đánh bắt cá tại lòng hồ Sông Rác.Nhiều phường tại thị xã này bị ngập sâu, 153 hộ dân với 441 nhân khẩu tại phường Kỳ Thịnh phải sơ tán tránh lũ.
Tại huyện Vũ Quang, tình trạng ngập cục bộ diễn ra tại 2 xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, nhiều địa điểm bị sạt lở.
Ngoài ra, còn 3 xã ven sông Yên huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cũng chìm trong “biển nước”.
Từ chiều ngày 18/10 nước lũ bắt đầu rút ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên một số tuyến đường ven sông Hoài vẫn đang bị ngập nặng, có nơi ngập gần 50cm.
Rác tràn ngập tại sông Hoài và các con đường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Sau khi nước sông rút xuống, chính quyền TP.Hội An huy động lực lượng khẩn trương vớt số lượng rác thải này để đảm bảo vệ sinh môi trường cho phố cổ Hội An”.
Cơn bão số 8 vừa qua không đổ bộ vào vùng biển thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) nhưng sóng lớn đã đánh đổ sụp, vỡ nát nhiều đoạn của tuyến kè biển này.
Theo người dân, tuyến kè biển từng bị sạt lở nặng nề sau đợt mưa lũ hồi tháng 11/2020. Địa phương sau đó đã sửa chữa, gia cố tạm bằng rọ sắt, bê tông . Nhiều ki-ốt của người dân địa phương cũng bị sụt lún, hở hàm ếch.
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin