Ngăn “vết dầu loang” từ chuyện 15 người trốn trong xe đông lạnh để “thông chốt”

Thông tin phát hiện 15 người trốn trong thùng đông lạnh với mục đích “thông chốt” đã khiến dư luận không khỏi sững sờ, khi chiêu trò lẩn tránh kiểm soát dịch và cách ly y tế ngày một tinh vi.

Suy nghĩ ấu trĩ!

Mới đây, Tổ tuần tra trạm CSGT Hàm Tân (Bình Thuận) đã phát hiện xe đông lạnh có dâu hiệu nghi vấn. Sau khi kiểm tra, lực lượng CSGT đã phát hiện trong thùng xe có 15 người, trong đó có 1 trẻ em, trong tình trạng vã mồ hôi, có dấu hiệu khó thở. Theo lời khai của tài xế, xe đông lạnh này đón 15 người trên từ một xe khách chở từ bến xe Long Khánh (Đồng Nai) qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 2 Bình Thuận.

donglanh6-npdo-1631635524.jpg
Phát hiện 15 người trong xe đông lạnh tại Bình Thuận.

Trước vụ việc trên, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế) bày tỏ: “Chỉ vì muốn trốn kiểm soát dịch mà nghĩ đến cả việc chui vào xe đông lạnh, là điều không phải đạo! Bên cạnh đó, sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe của con người, không chỉ là bản thân những người này, mà còn có thể lây lan sang nhiều người khác. Giả sử, trong 15 người chỉ cần có 1 người mắc Covid-19, thì trong không gian chật hẹp và kín như vậy, chắc chắn tất cả sẽ bị nhiễm, rồi sau đó, khi tiếp xúc với người khác lại lây rộng hơn.

Đầu tiên, tôi cho rằng, hành vi này liên quan đến vấn đề nhận thức, có thể nói là nhận thức ấu trĩ. Khi cả nước đang tập trung chống dịch, một người bị nhiễm thì người khác cũng không được an toàn, huống hồ, hành vi gian dối như thế này, lẽ nào không tự đánh giá được mức độ?

Trong trường hợp, nếu những người này đã nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi mà vẫn cố tình thực hiện, tức là đang cố tình xâm phạm đến sự an toàn và sự tự do của người khác, liên quan đến cả cộng đồng. Mà sự xâm phạm này có thể khiến nhiều người liên lụy, dẫn đến phải “trả giá” bằng sự sống còn của cộng đồng, của quốc gia.

Vậy nên, theo tôi, đây là hành vi cố tình vi phạm, phải có biện pháp xử lý thật xác đáng, đủ sức răn đe. Nếu không, sẽ trở thành tiền lệ xấu, nếu xử lý không đủ “sức nặng”, câu chuyện lợi dụng kẽ hở để “vẽ đường” cho tiêu cực sẽ còn tiếp diễn, với nhiều chiêu trò hơn nữa”.

dbqh-nguyen-thi-suu-1-1628870913-1631635524.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng hành vi này có thể khiến nhiều người liên lụy, dẫn đến phải “trả giá” bằng sự sống còn của cộng đồng, của quốc gia.

“Hiện tại, đã có quy định rõ ràng về “vùng xanh”, “vùng vàng”, “vùng đỏ”, người dân cần phải nghiêm túc và tuyệt đối chấp hành. Nếu muốn đi đâu để thực hiện việc gì quan trọng, có thể báo với chính quyền, các tổ chức, đoàn thể để được giúp đỡ, sao lại nghĩ đến chuyện lén lút như vậy?

Mặc dù con số tìm đến tiêu cực để “né tránh” trách nhiệm trong phòng chống dịch có thể không nhiều, nhưng nếu chúng ta “để xổng” ra chỉ một vài trường hợp, sẽ dẫn đến lây lan dịch bệnh, để lại hậu quả khôn lường. Họ không những không giữ được tính mạng của bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch của cả hệ thống trong suốt nhiều tháng qua”, vị ĐBQH phân tích thêm.

Ngăn “vết dầu loang”

Về mặt giải pháp, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng: “Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, những chiêu trò tương tự, để xử lý một cách nghiêm minh. Qua việc xử lý, phải khiến họ nhận ra những hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện hành vi. Đồng thời, phải có sự cảnh tỉnh càng sớm và càng xa càng tốt, tức là, không chỉ với những người đang vi phạm, mà cả với những người đang có suy nghĩ, có ý định vi phạm, thậm chí chưa hành động”.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang & Cộng sự) chỉ ra: “Với hành vi vận chuyển người vượt trạm kiểm soát trái phép trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát, cách ly thì đối với tài xế xe ngoài việc bị cơ quan chủ quản xử lý vi phạm ngành. Trường hợp những người được vận chuyển mang mầm bệnh làm lây lan cộng đồng, thì các tài xế còn liên đới bị xử lý bởi các hình thức:

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì:

“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;”

Về xử lý hình sự, tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo quy định tại Điều 240 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

3-luat-su-nguyen-cao-dat-1631635533.jpg
Luật sư Nguyễn Cao Đạt cũng cho rằng, đối với hành vi vận chuyển người trốn tránh trạm kiểm soát, cách ly như vậy cần phải xử lý nghiêm và triệt để nhằm răn đe các tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, người phạm tội có thể chịu mức phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm và bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Bên cạnh đó, vị luật sư cũng nhấn mạnh thêm: “Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài ở nhiều địa phương khác trên cả nước, một số tỉnh thành về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Những cá nhân có hành vi gian dối như đã đưa tin sẽ là nguy cơ có thể khiến cho dịch bệnh bùng phát trở lại ở các địa phương khác, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch cũng như đảm bảo sức khỏe của người dân, của cộng đồng. Cho nên, đối với hành vi vận chuyển người trốn tránh trạm kiểm soát, cách ly như vậy cần phải xử lý nghiêm và triệt để nhằm răn đe các tổ chức, cá nhân khác.

Như đã phân tích, nếu người vi phạm ngoài việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Pháp luật đã quy định và có các biện pháp chế tài đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Phần còn lại là các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay, quyết liệt xử lý triệt để, nghiêm minh mới cảnh tỉnh các tổ chức, cá nhân khác bất chấp vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật”.

Liên hệ với những tiêu cực trước đó xoay quanh ý thức phòng chống dịch bệnh, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhận định: “Trước nay, đã có rất nhiều vụ việc tiêu cực trong công tác phòng chống dịch, không thể không kể đến những đường dây làm giả giấy đi đường, giấy xét nghiệm, đường dây lén đưa người “thông chốt”, hay những hành vi như khai báo gian dối, trốn cách ly,...

Dịch bệnh Covid-19 lúc này chẳng khác gì “một vết dầu loang gần lửa”. Có thể dập được chỗ này thì dầu đã lại loang ra chỗ khác và lửa bén vào... Dịch chỗ này đã dập được nhưng lại có dịch nơi khác. Sức đâu là mãi chạy theo phía sau? Đảng và Nhà nước ta nếu chỉ chạy theo “dẹp loạn” như vậy thì lấy đâu ra thời gian để vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển đất nước.

Để Đảng, Nhà nước tiết kiệm nhiều nguồn lực, khoảng cách an toàn, để dư năng lượng cho những nhiệm vụ quan trọng khác của đất nước, thì cần phải làm thật tốt khâu kiểm soát”.

“Ngay lúc này, chúng ta cần một bức tranh tổng hợp toàn cảnh, xâu chuỗi về những hành vi tiêu cực, đi ngược lại công tác phòng chống dịch Covid-19. Đó là những hành vi cần phải lên án mạnh mẽ. Trong cuộc chiến này, việc cảnh tỉnh những hành vi tiêu cực như vậy chính là nghĩa vụ đáng phải lên tiếng, từ các cơ quan truyền thông, từ dư luận, và cả từ chính những người trong cuộc, những người đã sai nhưng biết ăn năn, hối hận và có hành động điều chỉnh.

Triệt tiêu những hành vi gian dối trong cuộc chiến chống dịch, không chỉ là giữ gìn chuẩn mực đạo đức lâu nay cho người Việt, mà còn là vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân mọi lúc, mọi nơi...”, vị ĐBQH nhấn mạnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế cũng chia sẻ thêm: “Bức tranh Covid-19 dường như là một “bài trắc nghiệm” về năng lực, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, thực hiện của những người đứng đầu các địa phương.

Qua đây, phần nào có thể nhìn thấy chất lượng cán bộ, nhân lực các địa phương ra sao. Nơi nào có cán bộ có năng lực, trách nhiệm, sâu sát, thì cho dù có xuất hiện dịch bệnh cũng rất kịp thời phát hiện, kiểm soát tốt; còn nơi nào còn “lỗ hổng” trong công tác cán bộ thì ngược lại.

Đối với trận chiến với dịch Covid-19, cần rất nhiều nguồn lực, từ nhân lực, tài lực, vật lực, nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là “tâm lực”, tức là lực từ cái tâm của con người. Nếu tâm lực này rò rỉ, âm ỉ, lệch chuẩn, không vì công chỉ vì tư, biến công thành tư, đặt tư lên công,... thì chắc chắn sẽ làm hao tổn các nguồn lực khác, cho dù có bao nhiêu lực khác thì cũng không đảm bảo được tiến độ của cuộc chiến. Tâm lực không tốt thì sẽ kéo thụt lùi thành quả của tất cả các lực khác”.