“Năm 2020, trong khi thị trường BĐS nhà ở TP.HCM vẫn duy trì đà sụt giảm từ năm 2019 ở hầu hết các phân khúc, thì vùng phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai,... lại có sự phát triển đáng chú ý”, DKRA nhận định. Dự báo thị trường năm 2021 có thể hồi phục với mức độ tích cực tùy từng phân khúc cụ thể, DKRA lạc quan cho rằng, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm nay sẽ là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.
Công ty CP DKRA Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo toàn cảnh thị trường BĐS nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2021
Thị trường 2020 nhiều biến động
Theo DKRA, tại TP.HCM, ngoại trừ phân khúc nhà phố/biệt thự tăng so với năm 2019, các phân khúc còn lại đều sụt giảm cả về nguồn cung mới lẫn sức cầu. Trong khi đó, Bình Dương trỗi lên với nguồn cung mới lên đến 5,627 sản phẩm đất nền và khoảng 10,526 căn hộ, Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung mới nhà phố/biệt thự (2,749 căn). Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, thị trường rơi vào trạng thái gần như "ngủ đông".
Ở phân khúc đất nền, theo DKRA, năm 2020, khu vực TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận khoảng 84 dự án mở bán (khoảng 13,179 nền). Lượng tiêu thụ đạt khoảng 8,519 nền, chiếm xấp xỉ 65% nguồn cung mới. Những dự án nằm liền kề các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, diện tích nền nhỏ, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư có dòng vốn tốt.
Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục chiếm giữ vị thế chủ lực trong tổng nguồn cung do quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm. Bình Dương dẫn đầu nguồn cung với khoảng 43% nguồn cung mới toàn thị trường (5,627 nền). Tại TP.HCM, nguồn cung mới đến từ 7 dự án (564 nền), bằng 33% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 59% (khoảng 334 nền), bằng 21% so với năm 2019.
Ở phân khúc căn hộ, TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận khoảng 88 dự án mở bán (khoảng 30,042 căn) trong năm qua, tập trung chủ yếu ở TP.HCM và Bình Dương. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 26,313 căn, chiếm xấp xỉ 87.6% nguồn cung mới. Bình Dương nổi lên là tâm điểm của thị trường căn hộ với hàng loạt dự án mở bán, cung ứng khoảng 10,526 căn, chiếm 35.1% tổng nguồn cung mới.
Tại TP.HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2019. Năm 2020, TP.HCM có khoảng 56 dự án mở bán (khoảng 17,579 căn), bằng 71.7% cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 86.6% (khoảng 15,229 căn), bằng 66.2% so với năm 2019. Căn hộ hạng A dẫn đầu thị trường trong khi căn hộ hạng C gần như vắng bóng. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong năm. Mặt bằng giá sơ cấp tăng mạnh, tuy nhiên thanh khoản giao dịch thứ cấp giảm sút.
Toàn cảnh sự kiện do DKRA Vietnam tổ chức
Với phân khúc nhà phố/biệt thự, theo khảo sát của DKRA Vietnam, nguồn cung mới nhà phố, biệt thự gia tăng trong năm 2020, tập trung ở Đồng Nai (38% tổng nguồn cung mới) và TP.HCM (34% tổng nguồn cung mới). Thị trường chứng kiến sự xuất hiện những khu đô thị lớn có quy mô hàng trăm hecta, được phát triển bài bản, đầy đủ tiện ích. Nhìn chung, các khu đô thị này đều có vị trí hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi ở quận vùng ven TP.HCM hoặc khu vực giáp ranh TP.HCM.
Tuy nguồn cung mới và lượng tiêu thụ gia tăng nhưng ghi nhận cho thấy đa phần tập trung ở Quận 9. Theo đó, TP.HCM có 18 dự án mới mở bán (khoảng 2,504 căn), tăng 59% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 76% (khoảng 1,891 căn), tăng 75% so với năm 2019. Khu Đông với thông tin thành lập thành phố Thủ Đức tiếp tục là tâm điểm của thị trường, dẫn đầu nguồn cung và sức cầu. Ngoại trừ khu Đông, mặt bằng giá sơ cấp hầu như không thay đổi, trong khi giao dịch thứ cấp giảm nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch.
Đối với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng - Biệt thự biển, trong năm 2020, nguồn cung và lượng tiêu thụ biệt thự biển sụt giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Toàn thị trường đón nhận 541 căn biệt thự biển đến từ 10 dự án, bằng 21% so với năm 2019 (2,606 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 44% (khoảng 239 căn), bằng 12% so với năm trước.
Giao dịch trên thị trường tập trung ở những dự án mới, được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín với đầy đủ hệ sinh thái và được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế. Nhìn chung, tồn kho biệt thự biển trên thị trường hiện nay phần lớn đến từ những dự án cũ được mở bán từ trước đó.
Phân khúc nhà phố/shophouse biển trong khu phức hợp dần hồi phục và tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Còn với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng – Condotel, tương tự loại hình biệt thự biển, nguồn cung mới và sức cầu condotel giảm mạnh, gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Cả năm 2020 có 3 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 525 căn, chỉ bằng 5% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 65% (342 căn), bằng 4% so với năm 2019. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán của các chủ đầu tư lớn với pháp lý minh bạch và tiến độ xây dựng đảm bảo.
CEO DKRA Vietnam tổng kết diễn biến toàn cảnh thị trường bất động sản Nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2020
Những thị trường từng dẫn đầu về phát triển condotel như Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng,… từ đầu năm 2020 đến nay không ghi nhận dự án mới mở bán, lượng tiêu thụ khá thấp và gần như không phát sinh giao dịch.
4 giải pháp kích hoạt lực đẩy cho thị trường 2021
Nhận định tình hình thị trường năm 2021, ông Phạm Lâm- Tổng giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, để vượt qua khó khăn và bước vào giai đoạn phát triển mới, thị trường BĐS nhà ở sẽ cần nhiều lực đẩy để có thể giúp thị trường phục hồi và tăng tốc trở lại. Một trong những yếu tố đáng lạc quan là diễn biến kinh tế vĩ mô và công tác kiểm soát dịch bệnh rất tốt của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chính sách pháp lý chính thức có hiệu lực trong năm 2021 như Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Thông tư 21/2019/TT-BXD, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… cũng sẽ giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn. Đặc biệt, việc thành lập thành phố Thủ Đức và chủ trương đẩy mạnh triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trong năm 2021 cũng là lợi thế thúc đẩy thị trường bứt phá.
Trên nền tảng các tiền đề hiện hữu, DKRA Vietnam cho rằng cần có thêm 4 giải pháp kích hoạt lực đẩy thị trường BĐS năm 2021. Thứ nhất, đó là hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường. Các quy trình pháp lý cần đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá.
Các diễn giả cùng tham gia tọa đàm và giải đáp các thắc mắc xoay quanh diễn biến thị trường
Thứ hai là về hạ tầng giao thông. Tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông cần được đẩy nhanh hơn để sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để DN và người dân chủ động và có được chiến lược phát triển phù hợp.
Thứ ba là vai trò của DN BĐS. Các DN nên đa dạng hóa kênh tiếp cận nguồn vốn mới từ thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại… để nâng cao năng lực tài chính cũng như hạn chế phụ thuộc vào kênh huy động vốn từ khách hàng. Còn chủ đầu tư phải chú trọng hơn đến cảnh quan, tiện ích dự án, đảm bảo chất lượng công trình và áp dụng linh hoạt các chính sách bán hàng… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
DN cũng nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí; cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật, tránh những sai phạm gây bất ổn cho thị trường và xã hội.
“Giải pháp thứ tư là phát triển BĐS xanh, bền vững. Đây là xu thế tất yếu bởi trong dài hạn, dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững sẽ mang lại nhiều giá trị cho người mua, chủ đầu tư và cả cộng đồng. Do đó, BĐS xanh và bền vững nên được các chủ đầu tư chú trọng hướng tới trong tương lai gần” – ông Phạm Lâm khuyến nghị.