Tổng thống Putin tuyên bố đanh thép với Ukraine, sẽ đáp trả thích đáng vụ tấn công Kursk

Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ukraine tấn công dân thường và tuyên bố vì sao đàm phán hòa bình với đối phương không thể tiến hành.

Trong một cuộc họp về tình hình biên giới mới diễn ra ngày 12/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hành động khiêu khích có vũ trang của Ukraine tại Kursk nhằm mục đích củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Tuy nhiên, ông tuyên bố các cuộc đàm phán với một chính phủ tấn công dân thường là vô nghĩa.

"Bây giờ đã rõ lý do tại sao Ukraine từ chối đề xuất của chúng tôi về việc đàm phán hòa bình. Đối phương cùng với sự giúp đỡ của  phương Tây đang tìm cách cải thiện vị thế đàm phán của mình trong tương lai. Nhưng chúng ta có thể đàm phán về loại hình nào với những người tấn công bừa bãi vào dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở điện hạt nhân?", ông Putin nói.

Cũng trong cuộc họp, chủ nhân Điện Kremlin khẳng định Ukraine chắc chắn sẽ nhận được đòn đáp trả thích đáng và mọi mục tiêu mà Nga đặt ra chắc chắn sẽ đạt được. Ông cho biết, tình hình ở vùng Bryansk - một tỉnh biên giới giáp Ukraine hiện nay tương đối yên bình nhưng không đảm bảo rằng tình điều này có thể tiếp tục diễn ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đàm phán với Ukraine là "vô nghĩa". Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đàm phán với Ukraine là "vô nghĩa". Ảnh: Reuters

"Chúng ta cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau. Nếu tình hình tương đối bình lặng ở  Bryansk ngày hôm nay, điều này không có nghĩa là tình hình tương tự sẽ vẫn tiếp diễn ở đó vào ngày mai. Tôi yêu cầu mọi người hãy cùng với các cơ quan thực thi pháp luật, cùng với trụ sở đang được thành lập thông qua FSB của Nga với sự hỗ trợ của vệ binh quốc gia, hãy thực hiện việc này một cách rất cẩn thận. Tất cả các vấn đề cần được thảo luận, để chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến nào", ông Putin cho biết.

Trước khi Ukraine tổ chức chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm vào tỉnh Kursk của Nga, cả hai bên đều từng đưa ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, Ukraine vẫn kiên định với việc thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra vào cuối năm 2022.

Công thức hòa bình này bao gồm các điều khoản quan trọng như yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine, khôi phục lại đường biên giới năm 1991 và bồi thường chiến tranh cho Kiev. Phía Moscow khẳng định luôn cởi mở với việc đàm phàn hòa bình nhưng đến nay vẫn bác bỏ các điều kiện của Kiev vì cho rằng chúng phi thực tế.     

Vào giữa tháng 6, Tổng thống Putin cũng đưa ra một đề xuất hòa bình mới về việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Trong đó, cần phải có lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các cuộc thương lượng sau khi Ukraine rút hết quân khỏi các khu vực mới sáp nhập vào Nga, Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thực hiện phi quân sự hóa, áp dụng quy chế trung lập, phi hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Nga.

Ông Putin cảnh báo rằng nếu Ukraine và phương Tây từ chối các điều khoản này, chúng có thể thay đổi trong tương lai. Ông đồng thời nhấn mạnh nhiệm kỳ Tổng thống của ông Zelensky đã hết và không có cách nào để chứng minh tính hợp pháp.

Theo Tass và Sputnik

Phương Uyên/Đời sống pháp luật