Trước 6 tuổi, đừng bao giờ ép con làm 4 điều này vì nó sẽ ám ảnh trẻ suốt đời

Mỗi đứa trẻ là khác nhau vì vậy các bậc cha mẹ không nên lấy kinh nghiệm của người khác để áp dụng cho con mình. Theo các chuyên gia, phụ huynh không nên ép con làm 4 việc này khi bé dưới 6 tuổi.

Buộc trẻ phải tự lập

Trong quá trình lớn lên của trẻ, tính độc lập là một phẩm chất rất quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều hơi “tàn nhẫn” khi nuôi dưỡng tính tự lập cho con. 

Chẳng hạn, khi trẻ 3, 4 tuổi, một số cha mẹ cho trẻ ngủ riêng giường, bất chấp con sợ hãi. Khi trẻ khóc, nhiều người cố tình phớt lờ vì sợ con lệ thuộc. Khi trẻ cần giúp đỡ, nhiều người thờ ơ để con tự mình đối mặt.

dung-ep-con-lam-nhung-dieu-nay-truoc-6-tuoi-1-1710833087.jpg
Ảnh minh họa: QQ

Sự độc lập thực sự dựa trên tình yêu và sự an toàn. Phải để trẻ thỏa mãn sự phụ thuộc và thiết lập mô hình gắn bó an toàn với cha mẹ thì trẻ mới thực sự trở nên độc lập. Nếu cha mẹ bỏ qua bước phụ thuộc và mù quáng ép con phải tự lập thì điều đó sẽ chỉ hủy hoại cảm giác an toàn bên trong của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này của bé.

Buộc trẻ phải dũng cảm

Mọi người đều có nỗi sợ riêng và trẻ em cũng không ngoại lệ, đặc biệt là độ tuổi từ 0-6. Trẻ ít khám phá thế giới thực và có xu hướng nhầm lẫn sự thật với trí tưởng tượng, thường sợ bóng tối, ma và côn trùng.

Là người lớn, chúng ta biết những điều này không dáng sợ, nhưng với trẻ em, một con bọ nhỏ có thể biến thành quái vật hung ác... Vì vậy, cha mẹ không thể chỉ trích trẻ về hành vi sợ hãi. Thay vào đó, chúng ta nên chấp nhận nỗi sợ hãi và sự rụt rè của trẻ, đồng thời hỗ trợ và tiếp thêm sức mạnh cho con. Khi nỗi sợ của mình được thấu hiểu và dung thứ, trẻ sẽ phát triển lòng dũng cảm.

dung-ep-con-lam-nhung-dieu-nay-truoc-6-tuoi-2-1710832852.jpg
Ảnh minh họa: QQ

Khi con bày tỏ nỗi sợ hãi, bạn có thể làm theo 3 bước sau:

Đầu tiên, bạn hãy ngồi xuống, ôm con và hỏi bé xem có sợ không. Chỉ khi nhìn thấy nỗi sợ hãi thì lòng dũng cảm mới bắt đầu.

Sau đó, hãy hỏi kỹ hơn xem bé sợ cái gì, tại sao sợ. Khi hiểu sâu sắc nỗi sợ của con thì cha mẹ mới có thể đưa ra những biện pháp tương ứng để giải quyết vấn đề.

Cuối cùng, bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm tương tự với con, chẳng hạn như: "Hồi nhỏ, mẹ cũng sợ bóng tối nên đi đâu cũng phải bật đèn".

Chỉ những đứa trẻ được chấp nhận và thấu hiểu mới có thể phát triển sự dũng cảm từ sâu bên trong, từ đó vượt qua nỗi sợ và trở nên mạnh mẽ.

Buộc trẻ chia sẻ

Chia sẻ là một phẩm chất quan trọng, người chia sẻ không chỉ cảm thấy hạnh phúc mà còn tạo điều kiện cho việc thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp giữa các cá nhân. Tuy nhiên, việc cha mẹ ép con phải chia sẻ khi trẻ còn quá nhỏ lại không nên. 

Bạn đã bao giờ bắt con phải nhường đồ chơi của mình cho bạn, phải tỏ ra hào phóng với mọi người? Các chuyên gia cho rằng hành vi này sẽ khiến trẻ tổn thương. Chúng sẽ cho rằng bản thân kém quan trọng hơn so với những đứa trẻ khác, từ đó hình thành tính ghen tị, ăn vạ.

dung-ep-con-lam-nhung-dieu-nay-truoc-6-tuoi-3-1710833087.jpg
Ảnh minh họa: QQ

Cũng có những đứa trẻ để làm hài lòng bố mẹ, sẽ lựa chọn nhẫn nhịn, lặng lẽ chịu đựng. Lần sau, khi người khác cướp đồ của trẻ, trẻ cũng sẽ tự động chấp nhận với thái độ dung túng. Nếu chúng ta mù quáng đòi hỏi con phải chia sẻ, điều đó sẽ đè nén nhu cầu bản thân và thiếu tôn trọng trẻ. 

Trước 6 tuổi, cha mẹ không nên ép buộc con phải chia sẻ mà phải tôn trọng đầy đủ quyền sử dụng và phân phối đồ vật của con. Cha mẹ có thể bắt đầu từ chính mình, làm gương vào thời điểm thích hợp và dần dần hướng dẫn con thử chia sẻ.

Buộc trẻ thừa nhận lỗi lầm của mình

Đối với trẻ em, mắc lỗi là điều phổ biến nhất, cứ 10 bé thì có 9 bé không chịu thừa nhận lỗi lầm của mình. Trẻ trước 6 tuổi chưa có ý thức đạo đức tốt, hầu hết làm mọi việc theo ý  chủ quan của bản thân, không thể suy nghĩ từ góc độ của người khác và khó nhận ra tác hại mà hành động của mình đã gây ra với người khác. 

Khi cha mẹ hoặc giáo viên chỉ ra lỗi lầm, trẻ vẫn không muốn thừa nhận, điều này phần lớn là do “tâm lý mạnh mẽ” của trẻ. Lúc này, trẻ chưa phân biệt được sự khác biệt cơ bản giữa “làm xấu” và “làm người xấu”. Đối với chúng, việc thừa nhận mình đã làm sai điều gì đó cũng tương đương với việc thừa nhận mình không phải là một “đứa trẻ ngoan”.   Vì vậy, khi trẻ mắc lỗi, thay vì buộc trẻ thừa nhận lỗi lầm thì tốt hơn hết bạn nên giúp trẻ sửa đổi quan niệm, hành vi.

dung-ep-con-lam-nhung-dieu-nay-truoc-6-tuoi-4-1710833087.jpg
Ảnh minh họa: QQ

Lúc này, cha mẹ có thể nghiêm túc nói với con rằng dù con có làm sai điều gì thì bố mẹ vẫn luôn yêu thương con, nhưng một trong những hành động của con quả thực đã gây tổn hại cho người khác, mong con có thể sửa chữa. Ví dụ: “Bố mẹ biết con thích nghịch nước nhưng nước tràn khắp nhà, sàn trơn trượt, rất khó lau chùi. Nếu con thực sự muốn chơi thì chỉ có thể chơi  trong phòng tắm, được không?".

Trải qua nhiều lần cố gắng và sửa chữa, trẻ sẽ dần dần hiểu rằng, lỗi lầm không quan trọng, chỉ cần sửa lỗi và bù đắp một cách hợp lý thì vẫn là trẻ ngoan, thậm chí dù có mắc lỗi thì cũng không  phải là khủng khiếp. 

Ở góc độ tâm lý học phát triển, khi trẻ đối mặt với những điều chưa biết, những tình huống không thể kiểm soát và những thế lực mạnh hơn mình thì rút lui là một bản năng tự bảo vệ. Nếu bạn muốn con mình phá bỏ nỗi sợ hãi và dũng cảm tiến về phía trước thì chắc chắn phải dùng đến sự hiểu biết, đồng hành và động viên chứ không phải sự đàn áp, đe dọa và ép buộc.

Xem thêm: 3 môn thể thao kích thích trẻ phát triển chiều cao tốt nhất trong mùa xuân

Bảo Linh (Theo QQ)