Tư vấn pháp luật: Người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần trong 1 năm?

Bên cạnh ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng năm thì pháp luật còn cho phép người lao động được nghỉ việc riêng để giải quyết các công việc cá nhân.

Người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần trong 1 năm?

Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được giải quyết nghỉ việc riêng trong các trường hợp sau:

- Bản thân người lao động kết hôn.

- Con đẻ, con nuôi của người lao động kết hôn.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi của người lao động chết.

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người lao động chết.

- Cha hoặc mẹ của người lao động kết hôn.

- Anh, chị, em ruột của người lao động kết hôn.

- Lý do khác mà đã được người sử dụng lao động đồng ý cho nghỉ việc để giải quyết.

nguoi lao dong duoc nghi viec rieng may lan trong 1 nam dspl 2                        Nghỉ việc riêng là một trong các quyền của người lao động. Ảnh minh họa 

Theo đó, quy định này không giới hạn số lần nghỉ việc riêng trong của người lao động. Pháp luật không chỉ giới hạn lý do nghỉ việc riêng do bản thân hoặc người thân kết hôn hoặc người thân chết, người lao động vì các lý do cá nhân khác cũng có thể xin nghỉ việc riêng, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.

Không cho người lao động nghỉ việc riêng, người sử dụng lao động có bị phạt?

Nghỉ việc riêng là một trong các quyền của người lao động khi đi làm mà người sử dụng lao động không được hạn chế (trừ trường hợp yêu cầu phải có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động).

Nếu không cho người lao động nghỉ việc riêng theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

Điều 18. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

Kết hợp với khoản 1 Điều 6 Nghị định 12, người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm quy định trên sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng, còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi với số tiền từ 4 - 10 triệu đồng.

Nếu bị công ty xâm phạm quyền lợi, không đảm bảo cho nghỉ việc riêng theo đúng quy định, người lao động có thể tố cáo vi phạm đó đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý.