Liên ngành cùng vào cuộc
Ngày 27/5, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Tp.HCM Từ Lương có những trao đổi với Người Đưa Tin về hành vi đòi nợ theo kiểu “khủng bố” trên mạng xã hội mà người dân Tp.HCM đã phản ánh.
Theo ông Từ Lương, đây là nội dung Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM và Công an Tp.HCM đang khẩn trương để phối hợp xử lý. Thời gian qua, tình trạng người dân thường xuyên nhận được cuộc điện thoại, tin nhắn, thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Phương thức, thủ đoạn để các đối tượng xã hội đen chủ yếu sử dụng là xâm nhập dữ liệu, số điện thoại, danh bạ của người vay tiền thông qua các app sau đó tổ chức gọi điện, nhắn tin, khai thác sử dụng cắt ghép hình ảnh cá nhân đó đưa lên mạng xã hội nhằm tạo sức ép, đòi nợ những người không có trách nhiệm phải trả nợ nhưng có mối quan hệ với người vay tiền, từ đó tạo áp lực trả nợ thay.
“Người dân khi bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn trên một cách vô cớ có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan công an nhằm làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật”, ông Từ Lương đề nghị.
Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã xử lý 3 trường hợp vi phạm với số tiền 27,5 triệu đồng; đồng thời, ngừng cung cấp dịch vụ đối với 23 thuê bao di động trên địa bàn Tp.HCM có hành vi quấy rối qua điện thoại.
Tăng cường đấu tranh với tội phạm
Thống kê của Công an Tp.HCM cho biết, từ tháng 1/12/2020 đến nay, Công an Tp.HCM đã xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần liên quan đến những kẻ hoạt động “tín dụng đen”.
Lực lượng hình sự đã phát hiện và xử lý 120 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó Cơ quan CSĐT đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê; khởi tố 10 vụ với 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng. Hiện, công an cũng đang điều tra xác minh 49 vụ việc.
Khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép bên cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay.
Vì vậy, khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc, thì bên cho vay nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi vạ những người quen, thân cho dù họ hoàn toàn không liên quan đến các khoản vay nợ đó. Việc này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người không liên quan khoản vay, không có nghĩa vụ trả nợ.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự - PC02, Công an Tp.HCM khẳng định, tất cả các hành vi đòi nợ, đe dọa, khủng bố người thân, người quen của người vay là hành vi vi phạm pháp luật. Nạn nhân cần lưu giữ chứng cứ, báo cho lực lượng chức năng để được xử lý kịp thời, tránh để hậu quả xảy ra.
Thời gian tới, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, không để tội phạm lộng hành.
Nguyễn Thành Nhân