10 đứa cháu về quê nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, bà nội xây xẩm mặt mày đến mức nhập viện

Một mình tôi phải chăm cháu để các con đi du lịch.

Là bố mẹ, ai cũng muốn con cái có mối quan hệ tốt và hiếu thuận với ông bà. Chính vì lẽ đó mà vào những dịp rảnh rỗi hoặc ngày Lễ, bố mẹ sẽ tranh thủ đưa con về quê chơi. Bởi bình thường công việc bận rộn, họ đa số sẽ không có thời gian để làm chuyện đó.

Dịp Lễ Quốc Khánh năm nay được nghỉ 4 ngày, tôi rất mong chờ con cháu tề tựu đông đủ để ông bà và các cháu có thời gian bên nhau. Mặc dù thú thật thì ông bà cũng không còn trẻ nữa, tụi nhỏ về nhà cửa vui hơn nhưng cũng ồn ào, náo nhiệt hơn nên đôi khi sẽ khiến ông bà rất “đau đầu nhức óc”.

Tôi có tổng cộng 4 đứa con, và hiện tại số lượng cháu trai cháu gái đã lên đến một đội bóng. Năm nay kỳ nghỉ lễ kéo dài, tụi nhỏ đều được bố mẹ đưa về quê chơi với ông bà. Lâu lâu con cháu về, vất vả hơn xíu nhưng tôi vẫn miệt mài bếp núp để đãi xấp nhỏ những món ngon từ tay nghề của bà. Ngoài việc nấu ăn, chơi với 10 đứa cháu thì các chuyện khác sẽ con đứa nào đứa nấy lo, chứ tôi làm sao mà lo được hết thảy mọi việc.

Ảnh minh hoạ

Mọi lần đều như vậy, tuy nhiên Lễ 2/9 này, tôi đã phải nhập viện truyền nước vì xây xẩm mặt mày khi một mình chăm 10 đứa cháu cho bố mẹ chúng đi du lịch. Các con năn nỉ tôi trông hộ cháu 1 ngày để dành cho nhau thời gian riêng, không muốn đèo theo tụi nhỏ vì sợ các con đi với bố mẹ rồi lỡ về đau ốm thì lại khổ.

Ban đầu tôi không đồng ý vì đoán biết thế nào cũng trông không nổi, nhưng thấy các con cầu khẩn quá nên vợ chồng già cũng mủi lòng. Trước khi đi, bố mẹ các cháu đã dặn dò chúng nghe lời ông bà, đứa lớn hỗ trợ ông bà chăm đứa nhỏ thì ông bà sẽ đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, tình hình đâu đơn giản như vậy.

Hai vợ chồng tôi vật lộn với 10 đứa cháu mà không nghỉ ngơi được phút nào, mỗi đứa một kiểu tính cách, ban đầu chơi với nhau rất ngoan nhưng càng về sau thì lại đổ ra hàng tá chuyện kiện thưa, tỵ nạnh rồi khóc lóc khiến tôi phải liên tục làm “quan toà” để giải quyết. Vì quá mệt, tôi quyết định cho tụi nhỏ xem tivi và ipad để vợ chồng có chút thời gian ngả lưng.

Ảnh minh hoạ

Nào ngờ khi bố mẹ chúng về và nghe tụi nhỏ mách chuyện 1 ngày ở nhà với ông bà thì liền lên tiếng trách cứ. Giữ con cho chúng nó đi chơi, chưa thấy được báo đáp gì thì đã nghe cằn nhằn, mặt nặng mày nhẹ chuyện ông bà để cháu tiếp xúc thiết bị điện tử nhiều là làm hại cháu. Trong khi đó, ông bà mới chỉ cho các cháu chơi được 1 tiếng, hoặc lúc nào bận thì đây cũng là cách duy nhất để tụi nhỏ ngồi yên 1 chỗ cho ông bà còn làm các công việc khác.

Thà là vậy mà an toàn, còn hơi là cho chúng nó tự do chơi nhảy, lỡ sơ xuất rồi xảy ra tình huống không may thì tôi biết phải xử lý thế nào. Giữ cháu đuối sức đến mức vào bệnh viện truyền nước, nhưng lại còn bị các con trách, biết thế này tôi để chúng nó tự chăm con mình cho sáng mắt ra…

Tâm sự từ độc giả linhkhanh…@gmail.com

Trên thực tế, nghĩa vụ chăm con là của bố mẹ, ông bà không có trách nhiệm đó. Ông bà có quyền đồng ý hoặc không đồng ý trong trường hợp con cái nhờ vả chăm cháu hộ nếu có việc bận gì đó. Tuy nhiên để tránh những tình huống xích mích, làm rạn nứt tình cảm gia đình thì khi bố mẹ nhờ ông bà chăm cháu, có một số điều quan trọng cần lưu ý để đảm bảo việc chăm sóc diễn ra suôn sẻ. 

Đầu tiên, việc thảo luận rõ ràng về mong đợi và yêu cầu chăm sóc là rất cần thiết. Điều này giúp tránh hiểu lầm và tạo sự đồng thuận giữa hai bên. Bố mẹ nên chia sẻ thông tin chi tiết về thói quen ăn uống, giấc ngủ và sở thích của trẻ để ông bà có thể chăm sóc phù hợp. Đồng thời, lên lịch cụ thể về thời gian chăm sóc cũng giúp ông bà biết rõ khi nào cần hỗ trợ, từ đó điều chỉnh thời gian hợp lý.

An toàn là yếu tố không thể thiếu, bố mẹ cần đảm bảo rằng môi trường chăm sóc là an toàn cho trẻ, bao gồm việc kiểm tra đồ đạc và vật dụng có thể gây nguy hiểm. Hơn nữa, tôn trọng phong cách nuôi dạy của ông bà là điều quan trọng, bởi họ có thể có những phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc trao đổi để nhất quán trong cách dạy trẻ cũng rất cần thiết. 

Cuối cùng, bố mẹ nên duy trì liên lạc thường xuyên để kiểm tra tình hình của trẻ và ông bà, đảm bảo mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Những lưu ý này sẽ giúp quá trình chăm sóc cháu của ông bà diễn ra hiệu quả, và làm tăng mối quan hệ tình cảm gia đình, tránh được những tranh cãi không đáng.

TRANG TRI