Bài 5: Hành trình “đi lạc” của 43ha đất công không qua đấu giá tại Bình Dương
18:21 13/10/2019
Tại thời điểm “bán” 43ha đất vàng tại Khu đô thị Mega City 3 - Tân Phú, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thì PROTRADE là công ty Nhà nước do Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương sở hữu 100% vốn.
43ha “đất vàng” ở đâu ra?
Ngày 24/11/2004, Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE) và Ban quản lý Dự án Khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương ký Hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực”. Trong đó, PROTRADE đã đền bù số tiền chính xác là 414.045.364.700 đồng để nhận bàn giao làm chủ đầu tư 567,32 ha đất từ Ban quản lý Dự án Khu liên hợp Công nghệ - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM) toàn bộ vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Đến ngày 01/7/2010, PROTRADE ký Hợp đồng thỏa thuận với Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với mục đích là đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43ha thuộc khu đất dịch vụ 567,3 ha của khu liên hợp nói trên. Trong đó, PROTRADE góp 60 tỷ, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ, chiếm 70% vốn điều lệ.
Ngày 17/8/2010, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ban hành công văn (số 1830-CV/TU) đồng ý chủ trương cho PROTRADE được hợp tác với Công ty cổ phần Âu Lạc để thành lập công ty liên doanh đầu tư và kinh doanh tại Khu đất 43ha.
Trên cơ sở các quyết định giao đất của UBND tỉnh Bình Dương cho PROTRADE, ngày 06/02/2013 Sở TM-NT tỉnh Bình Dương đã cấp cho PROTRADE các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (số BK 075229 cho diện tích 269.327,4 m2; số BK 075230 cho diện tích 160.672,9 m2.
Đến ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ban hành phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của PROTRADE, trong đó có nội dung đồng ý chuyển giao 59 khu đất cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, bao gồm cả Khu đất 43ha.
Ngày 28/8/2016, PROTRADE có công xin điều chỉnh phương án sử dụng đất và Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ban hành công văn đồng ý không chuyển giao Khu đất 43ha cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương.
Ngày 30/11/2016, Hội đồng thành viên PROTRADE họp ban hành Nghị quyết (số 17/2016/HĐTV) quyết định chuyển nhượng Khu đất 43ha với giá là 250.110.964.496 đồng. Ngày 8/12/2016, Tổng Giám đốc PROTRADE ký Hợp đồng chuyển nhượng Khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá là 250.110.964.496 đồng và công chứng tại Văn phòng Công chứng An Tín, tỉnh Bình Dương.
Ngày 21/12/2016, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương có văn bản (số 3289/STC-TCDN) xác nhận số tiền 5.010.760.813 đồng mà PROTRADE đã nộp vào ngân sách Nhà nước để được giao quyền sử dụng Khu đất 43ha không có nguồn gốc từ ngân sách, do không nằm trong quy định (tại Điểm 3.1 Khoản 3 Thông tư số 92/2007/TT-BTC).
Ngày 2/8/2017, PROTRADE ký hợp đồng chuyển nhượng 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc với giá 161.105.500.000 đồng. Và đến ngày 19/9/2017 Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty xây dựng A Đông Hải (sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM) toàn bộ vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Vị trí được xem là đắc địa bậc nhất Bình Dương lại bán với giá rất bèo
Ngày 10/10/2018, PROTRADE lại có công văn (số 101/TCTY – TCKT) xin điều chỉnh chi tiết phương án sử dụng đất theo công văn 407 CV/TU với nội dung: “Theo Công văn 407-CV/TU, thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương cho chuyển giao khu đất 43 ha nằm trong danh mục 41 khu đất bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, nhưng thực chất đây là phần vốn góp 30% của PROTRADE tại Công ty Tân Phú và việc chuyển nhượng phần vốn góp này đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý theo thông báo 287-TBTU ngày 20/4/2017, do đó đề nghị điều chỉnh CV 407 – CV/TU và cho phép chuyển nhượng vốn góp trên (trong đó có quyền sử dụng Khu đất 43ha), không chuyển giao về cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương”.
Ngày 10/10/2018 Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo (số 512 – TB/TU) với nội dung: “Trong công văn số 101/TCTY ngày 10/10/2018 của PROTRADE về xin điều chỉnh phương án đất có thể hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng dất mà không phải góp vốn bằng tiền, Do đó, để thực hiện nghiêm túc, thống nhất chủ trương của Thường trực tỉnh ủy đã cho Công ty góp 30% vốn bằng tiền, thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú, để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy”.
Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài chính, Tài TN-MT đã có các văn bản báo cáo, đề xuất về vụ việc chuyển nhượng Khu đất 43ha này, nhưng đều chưa có căn cứ, cơ sở vững chắc để Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương xem xét ra quyết định giải quyết dứt điểm vụ việc này. Vì thế, hiện nay, liên quan đến khu đất 43ha, Thanh tra tỉnh Bình Dương đang vào cuộc làm rõ.
Khu đất 43ha là tài sản của ai?
Hiện đang có câu hỏi rất lớn xung quanh số tài sản là đất, có diện tích lên tới 43ha này là của ai? Một luật sư tại TP.HCM phân tích: “Khu đất 43ha thuộc giao dịch chuyển nhượng được hình thành chủ yếu từ nguồn vốn thuộc sở hữu Nhà nước. Khi PROTRADE được Nhà nước giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Khu đất 43ha này là tài sản của Công ty. PROTRADE là công ty Nhà nước, sở hữu 100%, do vậy theo quy định tại Nghị định 199 và Nghị đinh 09 thì tài sản của Công ty là tài sản của Nhà nước, hay nói cách khác: quyền sử dụng Khu đất 43ha là tài sản của Nhà nước”.
Vị trí khu đất nằm gần với trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương
Cũng theo luật sư này: “Trong trường hợp có ý kiến phản biện cho rằng, quyền sử dụng Khu đất 43ha này là tài sản của PROTRADE nhưng không phải là tài sản của Nhà nước thì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý cho lập luận này và đồng thời cũng không thể chứng minh tiếp quyền sử dụng Khu đất 43ha này là tài sản hợp pháp của ai”.
Cũng theo chuyên gia về luật này thì: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 13 thì giá trị quyền sử dụng đất là giá trị tài sản Nhà nước, là vốn đầu tư của Nhà nước giao cho công ty Nhà nước. Nghị định 167 (Điều 1) cũng quy định rất rõ các loại tài sản công gồm: Đất của doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng, trừ đất của công ty cổ phần được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng hợp pháp sau thời điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; đất thuê, thuê lại, nhận góp vốn, nhận giữ hộ, mượn của các tổ chức, cá nhân khác và đất khác không phải của doanh nghiệp.
“Như vậy, rõ ràng nếu PROTRADE không tự ý chuyển nhượng Khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú vào ngày 8/12/2016 trái quy định của pháp luật thì Khu đất 43ha này chính là tài sản công trong PROTRADE theo quy định tại Điều 1 Nghị định 167. Tại thời điểm năm 2017, 2018, 2019 hoặc những năm sau nữa, khi xem xét xử lý vụ việc này thì không ai có thể lập luận sai lầm và bao biện rằng, PROTRADE không “đang quản lý, sử dụng” Khu đất 43ha như câu chữ trong Điều 1 Nghị Định 167 vì đã khu đất này đã bị chuyển nhượng trái pháp luật nên Khu đất 43ha không phải hoặc không còn là tài sản công”, vị này phân tích.
Theo hồ sơ mà PV có được thì PROTRADE trước đây là Xí nghiệp sản xuất hàng Cao su 3-2 Sông Bé, thành lập năm 1982 theo Quyết định của Tỉnh ủy Sông Bé, với chủ trương của Đảng nhằm đóng góp cho ngân sách Đảng bộ địa phương. Sau khi tách tỉnh (Bình Dương và Bình Phước), đơn vị này trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương.
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương tại TP. Thủ Dầu Một. Đến ngày 29/4/2004, UBND tỉnh Bình Dương có (Quyết định số 3393/QĐ-UB) về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu liên hợp này. Một năm sau đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho PROTRADE đầu tư dự án trên.
Chí Thanh