Nhiều địa phương chấn chỉnh việc dạy thêm, lạm thu đầu năm học
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Sở GD&ĐT Tp.Hải Phòng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Theo đó, hiện có nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã và đang thực hiện hoạt động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống nên để Sở GD&ĐT có thông tin quyết định trong việc chỉ đạo liên kết dạy học trong các trường học, Sở đề nghị trường THPT, các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động liên kết của đơn vị mình, báo cáo về Sở GD&ĐT Tp.Hải Phòng trước ngày 30/9.
Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, khoản thu đầu năm học là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Do đó, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết chống lạm thu từ ngành giáo dục, các trường, cơ sở giáo dục đã tính toán, cân nhắc đối với những khoản thu.
Sở GD&ĐT An Giang cũng mới có văn bản gửi các cơ sở giáo dục, chỉ đạo không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi, giữ và chăm sóc học sinh. Nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.
Theo Sở GD&ĐT Thanh Hóa yêu cầu các sơ sở giáo dục công lập trên địa bàn không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; không tổ chức theo lớp học chính khoá. Mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học (mỗi tuần không quá 3 tiết học) đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá. Sở này cũng quy định việc dạy học làm quen tiếng Anh đối với trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học mức thu tối đa 12.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người Việt Nam; 30.000 đồng/học sinh/tiết học với giáo viên là người nước ngoài.
Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo các phòng GD&ĐT và nhà trường trên địa bàn tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy kỹ năng sống; đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.
Năm nay, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính cũng sớm có văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục, định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường cấp tiểu học trên địa bàn. Ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định. Cùng đó có chỉ đạo về văn bản, ngành tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm trường hợp bị phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu.
Tương tự, Phú Thọ ban hành công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ yêu cầu các trường, giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Sở GD&ĐT Nam Định cũng có văn bản gửi các trường THPT, phòng GD&ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm năm học 2023 - 2024. Theo đó, Sở yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học.
Hà Tĩnh: 12 trẻ mầm non nhập viện nghi do ngộ độc
Trao đổi với báo Tiền Phong, lãnh đạo Trường Mầm non Ban Mai (Tp.Hà Tĩnh) xác nhận, hơn 10 học sinh của trường có dấu hiệu đau bụng, nôn ói nghi do ngộ độc phải nhập viện điều trị trong đêm 23/9.
“Trong đêm qua, nhiều em có dấu hiệu nghi ngộ độc nên phụ huynh đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Đến sáng nay qua nắm bắt sức khoẻ các em đã ổn định”, đại diện trường Mầm non Ban Mai cho hay.
Cũng theo trường Mầm non Ban Mai, cơ sở có 75 học sinh ăn bán trú tại trường. Sáng nay, Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh đã về trường kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc.
Theo thông tin ban đầu, tối 23/9, 12 em nhỏ tại thành phố Hà Tĩnh có các biểu hiện như nôn ói, mệt mỏi, đau bụng... Do triệu chứng kéo dài nên các phụ huynh đã đưa con em đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và bệnh viện thành phố Hà Tĩnh để điều trị.
Sau khi tiếp nhận, các bệnh nhi đã được bù dịch, điện giải và xét nghiệm kiểm tra. Hiện tại, các triệu chứng của các bệnh nhi đã đỡ. Có 2 bệnh nhi ổn định sức khỏe, xuất viện, còn các bệnh nhân khác đang được theo dõi.
Lãnh đạo bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh cũng cho biết, trong đêm 23/9, đã tiếp nhận 6 em nhỏ có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn nghi do ngộ độc. Hiện sức khoẻ các bệnh nhi đã tạm thời ổn định và chờ xuất viện.
Hiện Trung tâm Y tế thành phố Hà Tĩnh đang làm việc với các bên liên quan để xác minh, điều tra làm rõ.
Thương tâm nam sinh đuối nước tại khu du lịch
Trong khi đi cùng bạn bè, người thân trải nghiệm bè mảng trên hồ ở Khu du lịch Đồng Lâm (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), một nam sinh không may trượt chân, ngã xuống hồ nước.
Thông tin trên báo Tiền Phong vào khoảng 14h chiều 24/9, một nam sinh rơi xuống hồ trong khu du lịch Đồng Lâm đuối nước. Lực lượng chức năng, nhân dân địa phương triển khai công tác cứu hộ tìm kiếm, song do mực nước khá sâu, chỗ xảy ra tai nạn có độ sâu khoảng 9m, nhiều ghềnh đá nguy hiểm; đến cuối giờ chiều nay vẫn chưa tìm thấy tung tích nạn nhân.
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là nam giới sinh năm 2006, là học sinh quê ở huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, đi cùng gia đình, bạn bè tới hồ nước khu danh thắng Đồng Lâm thì sẩy chân, gặp nạn.
Các ngành chức năng Lạng Sơn tiếp tục tổ chức các tổ, đội tìm kiếm và điều tiết phương tiện, người ra vào khu du lịch Đồng Lâm để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trúc Chi (t/h)